Tại Hội nghị Truyền thông Thế giới lần thứ 6 đang diễn ra ở thủ phủ Urumqi của Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Tây Bắc Trung Quốc, nhóm chuyên gia đã công bố báo cáo mang tên “Trách nhiệm và sứ mệnh của phương tiện truyền thông báo chí trong kỷ nguyên AI”. Báo cáo nêu bật những đột phá liên tục trong ứng dụng công nghệ AI, như tương tác bằng giọng nói và tạo hình ảnh. Ngành truyền thông tại một số quốc gia và khu vực đang dần chuyển từ sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ thành động lực cốt lõi cho hoạt động.
Theo báo cáo, AI đang thúc đẩy năng suất trong ngành truyền thông báo chí, nâng cao khả năng thu thập, sản xuất, phân phối và đánh giá nội dung. AI hỗ trợ thu thập thông tin cơ bản, đề xuất các nguồn tin và địa chỉ liên hệ cũng như xác minh thông tin, qua đó cung cấp cho biên tập viên nhiều thông tin có giá trị hơn và nhiều góc nhìn đa dạng hơn. Các công nghệ như bot viết và trợ lý sáng tạo AI giúp những người làm công tác truyền thông thực hiện một số công việc đơn giản và có tính chất lặp lại.
Bên cạnh đó, AI tận dụng dữ liệu liên kết rộng lớn để giúp các tổ chức truyền thông hiểu biết sâu sắc hơn, xây dựng hồ sơ người dùng và tăng cường kết nối với độc giả để truyền tải nội dung chính xác hơn. Báo cáo cũng lưu ý công nghệ AI giúp nâng cao năng lực quản lý phương tiện truyền thông bằng cách đánh giá hiệu quả truyền thông và phân tích dữ liệu chính xác.
Tuy nhiên, báo cáo công bố kết quả thăm dò gần đây do nhóm nghiên cứu thực hiện cho thấy đa số các tổ chức truyền thông trên toàn thế giới bày tỏ lo ngại về độ tin cậy của AI tạo sinh.
Cuộc thăm dò được thực hiện bằng tiếng Trung, tiếng Anh và tiếng Pháp đối với các tổ chức truyền thông tại 53 quốc gia và khu vực. Khi được hỏi về các vấn đề vướng mắc hoặc dự kiến gặp phải với AI tạo sinh, 76,4% bày tỏ lo ngại về nguy cơ thông tin sai lệch hoặc bị bóp méo. Trong khi đó, 61,1% số người được hỏi viện dẫn “vấn đề bản quyền và trách nhiệm pháp lý” là mối lo ngại lớn thứ 2 của họ.
Khi xem xét tác động của AI tạo sinh đối với độ tin cậy của ngành truyền thông trong 3 - 5 năm tới, kết quả thăm dò cho thấy 36,4% số người được hỏi tỏ ra bi quan, cao hơn so con số 24,1% thể hiện sự lạc quan. Trong khi đó, 39,5% có quan điểm trung lập về vấn đề này.
Dựa trên kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu dự đoán đa số các tổ chức truyền thông toàn cầu có thể sẽ chỉ sử dụng AI tạo sinh để hỗ trợ một phần nhỏ trong quá trình sản xuất nội dung.