Công ty của Jack Ma cho biết khoản đầu tư 15 tỷ USD này sẽ được sử dụng để thành lập các cơ sở nghiên cứu tại Trung Quốc, Mỹ, Nga, Israel và Singapore trong 3 năm tới. Alibaba muốn tập trung vào các lĩnh vực công nghệ như máy tính lượng tử, các dịch vụ kết nối, fintech và tương tác giữa con người với máy móc.
Nhiều nhà phân tích cho rằng các công ty như Alibaba phải đổi mới với tốc độ nhanh hơn để bắt kịp xu thế. "Điều quan trọng với Alibaba bây giờ là tiếp tục tạo ra các công nghệ mới", Kitty Fok - nhà phân tích tại hãng nghiên cứu IDC nhận định.
"Các hãng công nghệ Mỹ đã đi đầu trong quá khứ. Hiện tại, các doanh nghiệp Trung Quốc nên tăng cường đầu tư", người này nhấn mạnh. Amazon - đối thủ lớn nhất trong lĩnh vực thương mại điện tử của Alibaba đã đầu tư hơn 16 tỷ USD để phát triển và nghiên cứu công nghệ chỉ trong năm ngoái.
Một tổ chức mới có tên "Học viện Khám phá, Phiêu lưu, Động lượng và Triển vọng" sẽ là mũi nhọn trong kế hoạch mới của Alibaba. Đứng đầu tổ chức này là Giám đốc Công nghệ Alibaba - Jeff Zhang.
"Chúng tôi đang tìm kiếm các nhà nghiên cứu tài năng để cùng khám phá các công nghệ mới", Zhang cho biết. Alibaba có kế hoạch tuyển dụng 100 nhà nghiên cứu cho các phòng thí nghiệm mới này.
Cũng như nhiều tỷ phú công nghệ trên thế giới, Jack Ma là một người theo chủ nghĩa tương lai. Ông cho rằng robot sẽ là CEO giỏi nhất thế giới và trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi thế giới.
Hiện tại, ngoài mua sắm trực tuyến, Alibaba đang phát triển hoạt động kinh doanh sang nhiều lĩnh vực khác như cửa hàng tạp hoá, các nền tảng thanh toán điện tử và dịch vụ đám mây. Họ cũng đa dạng hoá đầu tư bằng cách rót vốn vào các startup như ứng dụng đi chung xe - Didi Chuxing hay công ty chia sẻ xe đạp - Ofo.