Được biết, số quà này do bà Đỗ Thị Kim Liên – Lãnh sự Danh dự Cộng hoà Nam Phi tại TP.HCM, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ Xây dựng Môi trường xanh Việt Nam (Green Vietnam Fund) trao tặng, với sự phối hợp tổ chức của Huyện đoàn Phong Thổ.
Được biết, Nậm Xe là xã biên giới của tỉnh Lai Châu, với 99,8% đồng bào dân tộc Thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Ngay từ cuối tháng 3/2020, biết thông tin từ báo Tuổi trẻ về học sinh một số lớp thuộc trường PTDT Bán trú Tiểu học xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu phải học tập dưới gầm nhà sàn mượn của người dân, bà Đỗ Thị Kim Liên đã quyết định tài trợ xây mới 2 phòng học, 1 phòng công vụ để thày trò nhà trường yên tâm học tập, đồng thời tặng áo ấm và ủng mùa đông cho toàn bộ học sinh trước thềm mùa đông mới. Công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ cuối năm học 2019-2020.
Trước đó, qua các năm, bà đã trao tặng 3 phòng học cho Trường Mầm non Xi Ma, Chung Chải, Mường Nhé và 1.250 áo ấm cho trẻ em mầm non các xã Chung Chải, Leng Su Sìn, Sen Thượng và Sín Thầu, huyện Mường Nhé, Điện Biên; Xây dựng 6 phòng học và tặng áo ấm cho trường tiểu học Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên; Tặng 3.000 áo ấm, ủng và mũ len cho gần 3.000 học sinh và thầy cô giáo tại các điểm trường THCS, tiểu học, mầm non tại hai huyện Nậm Ngà và Mường Tè; Tặng áo ấm cho các em học sinh tại xã biên giới Hua Bum và Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu… Ngoài ra, đồng hành cùng chương trình Shark Tank – The Purpose: Sứ mệnh Ươm mầm khởi nghiệp, bà Liên cũng đã tặng 50 bộ máy tính cho Trường THCS Thanh Lòa, Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn và Trường Phổ thông dân tộc bán trú – Trung học cơ sở Nậm Ban, Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu;...
Tại buổi trao tặng, ông Sùng A Nủ - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy huyện Phong Thổ, Lai Châu - phát biểu: “Thay mặt cho cấp ủy, chính quyền và các em học sinh cùng các thầy cô giáo, xin chân thành cảm ơn bà Đỗ Thị Kim Liên. Địa phương mong muốn tiếp tục nhận được sự chia sẻ, quan tâm của các nhà tài trợ tới những khó khăn chung của xã, đặc biệt là các học sinh nghèo nơi biên giới thân yêu. Từ đó, thúc đẩy sự giao lưu giữa miền xuôi và miền ngược, giúp người dân có cơ hội phát triển, vươn lên trong cuộc sống.”
Ông Phan Tiến Dũng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nậm Xe chia sẻ: “2 phòng học và 1 phòng công vụ khang trang được xây dựng nên đã giúp đỡ nhiều em học sinh dân tộc khó khăn đỡ vất vả hơn trên hành trình tìm kiếm tri thức - điều đã làm chúng tôi trăn trở rất nhiều thời gian qua nhưng không đủ điều kiện cải thiện mãi cho đến khi có sự góp sức về cả vật chất lẫn tinh thần của bà Đỗ Thị Kim Liên. Bà còn trao tặng gần 1000 áo ấm cho học sinh của trường ở thời điểm mùa đông đang đến gần. Chúng tôi vô cùng xúc động và hạnh phúc trước hành động cao đẹp của bà.”
Bà Đỗ Liên chia sẻ: “Trong những chuyến đi đến các tỉnh miền núi phía Bắc, tận mắt chứng kiến nhiều lớp học vùng cao còn tạm bợ, đường sá đi lại khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa lũ, giao thông thường xuyên bị chia cắt khiến việc đến trường của thầy cô và các em rất vất vả. Trong khi đó, người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, thu nhập thấp, nên việc quan tâm và đầu tư cho các con đi học còn hạn chế. Vì thế, nhiều năm qua, tôi luôn đồng hành với báo Tuổi trẻ trong tất cả các chương trình dành riêng cho miền đất xa xôi này. Tôi mong gửi gắm chút tấm lòng của mình, góp phần cho các em đến trường đỡ lạnh hơn, cũng như giúp các em cơ hội tiếp cận sớm với công nghệ, yêu thích việc học hơn”.
Hơn 30 năm qua, Bà Đỗ Liên được biết đến với nhiều vai trò: Lãnh sự Danh dự Cộng hòa Nam Phi tại TP.HCM, là Hiệu trưởng Trường Đào tạo quản lý doanh nghiệp (CBAM), là Chủ tịch Quỹ GVF hay là một nữ doanh nhân tài ba… Trên cương vị nào, bà cũng luôn quan tâm, tham gia hoặc lập nên những dự án xã hội, thiện nguyện vì sự phát triển của cộng đồng đặc biệt là lĩnh vực giáo dục. |