Amata hỗ trợ Hạ Long xây dựng Thành phố thông minh

Amata hỗ trợ Hạ Long xây dựng Thành phố thông minh
Tạp chí Nhịp sống số - Dự án thành phố thông minh 5.789ha tại Hạ Long, Quảng Ninh dự kiến sẽ được Tập đoàn Amata bắt đầu triển khai xây dựng vào năm 2020.

Amata hỗ trợ Hạ Long xây dựng Thành phố thông minh

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long vừa trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Tập đoàn Amata Việt Nam để phát triển thành phố công nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh.

Dự án Amata Hạ Long được tỉnh Quảng Ninh phê duyệt quy hoạch tổng thể toàn bộ có tổng diện tích 5.789ha để phát triển thành phố công nghiệp hợp nhất hướng tới một thành phố thông minh trong tương lai.

Dự án này được chia thành 3 giai đoạn phát triển với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1,6 tỷ USD.

Trao đổi với TheLEADER, bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Amata Việt Nam cho biết, thành phố thông minh Amata Hạ Long dự kiến sẽ mang lại doanh thu 5 tỷ USD mỗi năm và 300.000 việc làm cho cả người dân địa phương và thu hút nguồn lao động chất lượng từ các địa phương khác.

Đây là một bước chiến lược quan trọng của Amata trong việc mở rộng ra khu vực phía Bắc, đồng thời, dự án cũng tạo động lực cho Quảng Ninh trong việc đẩy mạnh hơn thu hút đầu tư FDI bên cạnh thế mạnh về du lịch.

Giai đoạn đầu của dự án có diện tích 714ha vừa được tỉnh Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Đây là dự án xây dựng - kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Sông Khoai được triển khai trên diện tích 714ha thuộc địa bàn thị xã Quảng Yên, sẽ được thực hiện qua 5 giai đoạn trong vòng 50 năm, tổng vốn đầu tư hơn 3.534 tỷ đồng, tương đương gần 156 triệu USD.

Mục tiêu dự án là xây dựng kết cấu hạ tầng KCN Sông Khoai và thu hút các dự án đầu tư vào KCN thuộc các lĩnh vực gồm: công nghệ chế biến - chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ phần mềm...

Theo kỳ vọng của Amata, nếu được triển khai ngay sau khi cấp phép, giai đoạn 1 của KCN Sông Khoai sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động từ cuối năm 2019.

Tuy nhiên theo thông tin từ Amata, thời gian bắt đầu triển khai dự án còn phụ thuộc vào tiến độ đền bù và giải phóng mặt bằng, dự kiến, công tác này sẽ được thực hiện trong vòng khoảng gần 2 năm.

Trước đó, Amata cũng đã chuẩn bị hồ sơ và thủ tục để phục vụ cho công tác đền bù và giải phóng mặt bằng ngay sau khi được cấp phép.

Như vậy, sau 5 năm kể từ ngày ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác đầu tư xây dựng tổ hợp Khu đô thị - công nghiệp công nghệ cao tại Quảng Ninh cùng với Tập đoàn Tuần Châu vào tháng 3/2013, nhà đầu tư đến từ Thái Lan đã chính thức được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Mặc dù sự hợp tác ban đầu giữa Amata và Tập đoàn Tuần Châu đã không thành công.

Dự án thành phố công nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh có vị trí chiến lược ở mạch giao thông chính miền Bắc, gần các sân bay quốc tế, hải cảng quan trọng giúp phát triển mạnh ngành hậu cần, và giáp với Trung Quốc, một thị trường rộng lớn.

“Với dự án đầu tư của Amata, Quảng Ninh sẽ có bước nhảy vọt trong tăng trưởng kinh tế cùng với việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân trong khu vực này", bà Somhatai Panichewa chia sẻ.

Tập đoàn Amata đặt chân đến Việt Nam hơn 23 năm trước với thành phố công nghiệp đầu tiên là Công ty CP Đô thị Amata Biên Hòa có tổng diện tích 700ha ở tỉnh Đồng Nai. Hiện nay, dự án Amata City Biên Hoà đã thu hút được 165 nhà đầu tư đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư hơn 2,7 tỷ USD, tạo 49.000 việc làm.

Một dự án khác cũng thuộc tỉnh Đồng Nai đang trong giai đoạn triển khai hạ tầng là dự án tại Long Thành có tổng diện tích 1.270 ha, trong đó 33% không gian dành cho phát triển khu công nghiệp công nghệ cao, trong khi 67% diện tích còn lại dành để phát triển cộng đồng đô thị.

Có thể bạn quan tâm

Theo Microsoft, có đến 88% lao động tri thức ở Việt Nam sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ở nơi làm việc. AI được cho là giúp người lao động tiết kiệm thời gian, tăng khả năng sáng tạo và tập trung vào các nhiệm vụ chính.