Ấn Độ chậm chạp trong cuộc đua 5G

Ấn Độ chậm chạp trong cuộc đua 5G
Tạp chí Nhịp sống số - Trong khi nhiều nước lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đã tung hoặc rục rịch phổ biến 5G nửa cuối năm nay, Ấn Độ vẫn cần ít nhất một năm nữa để cho ra mắt thế hệ internet di động tốc độ cao kế tiếp.

Theo CNBC, đây là nhận định của Phó chủ tịch Akhil Gupta của Bharti Enterprises, công ty mẹ của nhà khai thác viễn thông lớn của Ấn Độ Bharti Airtel. Dù một số nước đã triển khai mạng 5G, công nghệ này vẫn ở giai đoạn non trẻ và ứng dụng của nó vẫn cần được khám phá.

Ấn Độ còn cách mục tiêu tung 5G từ 12 đến 18 tháng, nếu không muốn nói là lâu hơn, ông Gupta nhận định. "Chính phủ Ấn Độ ra quyết định chia phổ dựa trên cơ sở thử nghiệm. Với tư cách nhà khai thác, chúng tôi tự chuẩn bị để triển khai nhanh nhất có thể một khi có ứng dụng cho Ấn Độ", Gupta nói.

Quốc gia Nam Á dự kiến thử nghiệm cài đặt mạng 5G trong thời gian tới. Dù vậy, chính phủ Ấn Độ đề xuất mức giá cơ bản 4,92 tỉ rupee, tương đương 71 triệu USD, cho đấu giá phổ 5G trong năm nay. Đây là con số khá cao, theo Reuters. Nhiều hãng viễn thông Ấn Độ như Bharti Airtel, Reliance Industries và Vodafone Idea dự kiến tham gia đấu giá. Toàn bộ quá trình có thể khiến họ mất hơn 1 tỉ USD.

Ông Gupta cho rằng về lâu dài, giá cả vẫn sẽ được quyết định bởi cung cầu và khả năng đầu tư của ngành. Ông nói thêm chính phủ cần đảm bảo rằng tiền đầu tư được phân bổ cho việc triển khai mạng nhiều hơn là cho phổ. Lý do cuối cùng giải thích vì sao quốc gia Nam Á chậm tung 5G là vì việc rót vốn cho 4G hiện nay quan trọng hơn. Nền tảng 4G sẽ giúp Ấn Độ chuẩn bị tốt hơn cho 5G.

Khi được hỏi về vấn đề Huawei Technologies, Gupta cho biết chính phủ lẫn Bộ Viễn thông đang xem xét tất cả các khía cạnh của vấn đề, trong đó có lo ngại an ninh tiềm ẩn. Huawei là một trong những tên tuổi hàng đầu trong cuộc đua 5G, song lại vấp phải lo ngại rằng hãng tạo điều kiện cho gián điệp Trung Quốc. Một số nước như New Zealand, Úc, Nhật Bản và Mỹ hạn chế Huawei tham gia vào 5G quốc gia.

Hiện Ấn Độ chưa tỏ rõ lập trường với Huawei. Hồi tháng 7, tờ Nikkei đưa tin giới chức Ấn Độ vẫn miễn cưỡng để Huawei tham gia phát triển 5G dù công ty Trung Quốc sẵn lòng ký cam kết rằng thiết bị của họ không có bất cứ phương tiện độc hại nào. Bắc Kinh mới đây cũng cảnh cáo New Delhi, cho biết việc chặn Huawei sẽ để lại hậu quả với các doanh nghiệp Ấn Độ hoạt động tại Trung Quốc.

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.