Ấn Độ khóa tài khoản ngân hàng của chủ sở hữu TikTok

Ấn Độ khóa tài khoản ngân hàng của chủ sở hữu TikTok
Tạp chí Nhịp sống số - Động thái này diễn ra sau khi Ấn Độ cấm ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok và hàng chục ứng dụng khác của Trung Quốc.

Các nhà chức trách Ấn Độ mới đây ra lệnh phong tỏa ít nhất hai tài khoản của ByteDance Ấn Độ tại CitiBank và HSBC vì cáo buộc trốn một khoản thuế trong các giao dịch quảng cáo trực tuyến giữa đơn vị ByteDance ở Ấn Độ và công ty mẹ ở Singapore, hai nguồn thạo tin nói với Reuters. Giới chức quốc gia Nam Á cũng chỉ đạo hai ngân hàng trên không cho ByteDance Ấn Độ rút tiền từ bất kỳ tài khoản ngân hàng nào khác có liên quan đến mã số thuế của công ty.

Trong đơn gửi Tòa án tối cao ở Mumbai, ByteDance Ấn Độ đã phản đối quyết định mới, nói rằng chỉ thị đóng băng tài khoản ngân hàng là sự lạm dụng pháp lý. “Chúng tôi không đồng ý với quyết định của cơ quan thuế trong vấn đề này”, ByteDance nói, đồng thời cam kết sẽ tuân thủ pháp luật và hợp tác với chính phủ. 

Trong tài liệu tòa án, ByteDance Ấn Độ cho biết toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty đã bế tắc vì tài khoản ngân hàng bị chặn, và hành động của giới chức trong nước là vi phạm quyền “thực hiện thương mại và kinh doanh tự do”. “ByteDance đã phải vật lộn với lệnh cấm của Ấn Độ. Điều này có thể ảnh hưởng đến lương của nhân viên và các khoản thanh toán cho nhà cung cấp”, nguồn tin giấu tên cho hay.

Động thái cứng rắn đối với ByteDance Ấn Độ được đưa ra sau khi cơ quan thuế kiểm tra tài liệu tại văn phòng công ty và thẩm vấn một số giám đốc điều hành liên quan đến quảng cáo, cùng với các giao dịch khác với pháp nhân công ty mẹ. Tháng 1.2021, ByteDance đã phải cắt giảm lực lượng lao động Ấn Độ sau khi New Delhi quyết định quy trì lệnh cấm TikTok. Có khoảng 1.300 nhân viên ở ByteDance Ấn Độ, hầu hết trong số họ thực hiện các hoạt động ở nước ngoài, bao gồm kiểm duyệt nội dung.

Ứng dụng video ngắn nổi tiếng lần đầu bị cấm tại Ấn Độ vào năm ngoái với lý do đảm bảo an ninh và chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, quyết định này được cho là có liên quan đến sự phản kháng mạnh mẽ của người dân đối với các doanh nghiệp Trung Quốc sau cuộc đụng độ biên giới ở dãy Himalaya giữa hai nước khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích động thái của Ấn Độ, cho rằng đã vi phạm các quy định của WTO.

Song, không chỉ gặp khó tại Ấn Độ, TikTok còn bị giám sát kỹ lưỡng trên khắp thế giới. Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cáo buộc ứng dụng này gây lo ngại về an ninh quốc gia vì dữ liệu của người dùng Mỹ có thể bị chính quyền Trung Quốc truy cập. 

Có thể bạn quan tâm