Ấn Độ triển khai kế hoạch khởi động quá trình nâng cấp lên công nghệ 5G

Ấn Độ triển khai kế hoạch khởi động quá trình nâng cấp lên công nghệ 5G
Tạp chí Nhịp sống số - Mới đây, Giám đốc điều hành Huawei tại Ấn Độ, Jay Chen cho biết, các nhà khai thác mạng di động Ấn Độ đang triển khai các kế hoạch khởi động quá trình nâng cấp lên công nghệ 5G tại nước này ngay từ năm nay.

Ấn Độ chính thức “nhảy” vào cuộc đua tiến lên 5G

Theo kỳ vọng của các nhà mạng, công nghệ 5G có thể giúp người dùng nước này được trải nghiệm các dịch vụ di động với tốc độ tối thiểu là 1Gbps cho dù tốc độ này còn thấp hơn rất nhiều so với tốc độ đề xuất của một mạng 5G chuẩn (20Gbps).

Đại diện Huawei cũng cho biết, các nhà mạng di động Ấn Độ rất quan tâm đến việc sử dụng kỹ thuật đa đầu vào - đa đầu ra (Massive MIMO) khi triển khai các mạng 5G nhằm làm tăng hiệu quả sử dụng phổ tần và qua đó cũng làm tăng tốc độ dịch vụ dữ liệu.

Theo tính toán chi tiết, với việc sử dụng nhiều anten ở thiết bị phát và thiết bị thu, Huawei cho biết kỹ thuật MIMO có thể làm tăng khả năng sử dụng phổ tần lên 8 lần trong khi chi phí triển khai chỉ bằng 20% so với việc triển khai các kỹ thuật khác.

Để chuẩn bị cho việc tiến lên 5G tại thị trường Ấn Độ, Huawei đã triển khai các mạng 4,5G tại 13 khu vực được lựa chọn theo đề xuất của nhà mạng. Đây sẽ là những cơ sở đầu tiên để Ấn Độ thương mại hóa các mạng tiền 5G, được nâng cấp từ 4,5G, ngay trong năm sau.

Trên thực tế, số lượng thuê bao 4G tại Ấn Độ đang tăng nhanh khi các nhà mạng đang cho phép người dùng có thể tiếp tục sử dụng dữ liệu, gọi thoại và dịch vụ video trên nền 4G miễn phí đến ngày 31/3/2017.

Tính đến nay, mạng 4G Raliance Jio đã phủ sóng đến hơn 80% dân số tại Ấn Độ. Để có được điều này, Raliance Jio đã chi 20 tỉ USD để có thể hoàn thành việc triển khai mạng 4G. Raliance Jio cũng đã đầu tư nhiều tỉ USD cho việc xây dựng gần 100.000 tháp viễn thông trên toàn Ấn Độ. Raliance Jio ước tính mạng Jio hiện đã phủ sóng được khoảng 18.000 thành phố và 200.000 ngôi làng. Tới hết tháng này, 3/2017, mục tiêu của Raliance Jio là đạt được diện phủ sóng tới 90% dân số.

Trong khi 4G còn đang trong giai đoạn đầu thu hút người dùng thì việc Ấn Độ triển khai các kế hoạch tiến lên 5G một cách khá “bất ngờ” so với kỳ vọng của thị trường viễn thông thế giới chủ yếu được xem là một động thái ủng hộ quyết tâm phủ băng rộng tốc độ cao đến mọi ngôi làng vào năm 2018 của chính phủ Ấn Độ.

Cũng tại Ấn Độ, thị trường di động nước này vừa tạo ra một cột mốc quan trọng khi đã có đến 300 triệu người dùng smartphone, đạt tốc độ tăng trưởng năm là 18%, cao gấp 6 lần so với tốc độ tăng trưởng người dùng smartphone toàn cầu.

Trong số đó, các thương hiệu Trung Quốc như Vivo, OPPO, Lenovo và Xiaomi chiếm tới 46% thị phần, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước và gần như thống trị các kênh mua sắm trực tuyến. Trong quý 4/2016, 75% smartphone được tiêu thụ tại Ấn Độ là hàng sản xuất trong nước trong khi 70% trong số này là smartphone có thể hỗ trợ mạng 4G LTE.

Với đà hỗ trợ 4G như hiện nay, các nhà mạng Ấn Độ còn coi việc triển khai các mạng 5G là một bước “đón đầu” nhu cầu của người dùng, nhất là nhóm người dùng có nhu cầu sử dụng dịch vụ chất lượng cao ngay tại thị trường trong nước.

Trên thế giới, 5G đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà mạng tại các thị trường di động phát triển như Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và một số quốc gia châu Âu. Tại các nước này, đã có một số nhà mạng công bố kế hoạch thương mại hóa 5G ngay trong năm nay và năm sau, tức là sớm hơn thời điểm 5G được chuẩn hóa bởi các tổ chức chuẩn hóa viễn thông thế giới (năm 2020).

Thậm chí, vào ngày 22/02/2017, nhà mạng Verizon của Mỹ còn đã công bố sẽ cung cấp dịch vụ mạng Internet 5G không dây tốc độ cao cho khách hàng tại 11 thành phố trên khắp nước này trong nửa đầu năm nay, bao gồm cả các khu vực nông thôn và trung tâm đô thị có dân số đông.

Như vậy trong khi Mỹ đang nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thương mại hóa công nghệ 5G thì Ấn Độ cũng thể hiện quyết tâm để không bị bỏ lại quá xa trên thị trường này.

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.