Bộ Quy định về công nghệ thông tin năm 2021 của Ấn Độ (gồm Hướng dẫn về các nền tảng trung gian và Bộ Quy tắc đạo đức truyền thông kỹ thuật số) có hiệu lực từ ngày 26/5, trong đó yêu cầu các mạng xã hội cung cấp thông tin chi tiết về các nhân viên phụ trách việc tuân thủ quy định, nhân viên làm đầu mối liên lạc và nhân viên phụ trách vấn đề khiếu nại. Người này sẽ xem xét các khiếu nại, giám sát nội dung và xóa bỏ chúng nếu các nội dung đó bị phản đối. Các quy định này không chỉ áp dụng cho các nền tảng truyền thông xã hội mà còn cho cả các nền tảng chiếu phim trực tuyến (OTT) như Netflix, Amazon Prime. Các ứng dụng này sẽ phải chỉ định một nhân viên giải quyết khiếu nại có trụ sở tại Ấn Độ, người sẽ tiếp nhận các khiếu nại và xử lý chúng trong vòng 15 ngày. Nhà chức trách Ấn Độ đã gửi thư đề nghị các các mạng xã hội cung cấp thông tin theo quy định mới.
Tuy nhiên, trong hồ sơ đệ trình Tòa án Cấp cao Delhi ngày 5/7, Bộ Điện tử và công nghệ thông tin (MEITy) Ấn Độ cho rằng Twitter đã vi phạm các điều khoản của Bộ Quy định về công nghệ thông tin, do đó sẽ bị tước quyền miễn trừ truy cứu trách nhiệm pháp lý.
Hồ sơ của MEITy được đệ trình trong khuôn khổ vụ kiện do một người dùng Twitter tiến hành, trong đó cáo buộc một số dòng tweet có nội dung bôi nhọ, đồng thời cho rằng Twitter không tuân thủ quy định yêu cầu bổ nhiệm một số giám đốc điều hành mới.
Trước đó, báo chí đưa tin các nền tảng truyền thông xã hội như Twitter, Facebook, WhatsApp và Google có thể phải đối mặt hành động pháp lý ở Ấn Độ nếu không tuân thủ quy định mới của chính phủ nước này nhằm tăng cường kiểm soát các nền tảng trung gian. Việc không tuân thủ các quy định trên sẽ khiến các mạng truyền thông xã hội bị tước quy chế nền tảng trung gian cũng như quyền miễn trừ và sẽ phải đối mặt với biện pháp hình sự thể theo luật pháp của Ấn Độ.
Tranh cãi liên quan vấn đề này đã làm dấy lên lo ngại rằng các công ty công nghệ Mỹ sẽ gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh khi phải đối mặt với môi trường pháp lý ngày càng nghiêm ngặt.