Theo Digitaltrends, mặc dù trước đây đã chỉ trích DMA, nhưng Apple có thể phải thực hiện theo yêu cầu nếu không sẽ bị EU phạt số tiền tương đương 20% doanh thu toàn cầu của họ.
DMA là đạo luật nhằm mục đích cho phép các dịch vụ nhỏ cạnh tranh bình đẳng với các dịch vụ lớn hơn. Điều này có nghĩa là các công ty có một số lượng người dùng nhất định, được gắn nhãn là “người gác cổng”, sẽ phải làm cho nền tảng của họ có thể tương thích với các nền tảng nhỏ hơn. Ví dụ, các nền tảng lớn như Facebook hoặc iMessage sẽ được yêu cầu mở, trong khi những nền tảng như Signal không bị bắt buộc.
Luật này cũng sẽ yêu cầu các nền tảng mở tính năng mua ứng dụng. Điều này không ảnh hưởng đến Google hoặc Microsoft - vốn đều cho phép cửa hàng ứng dụng bên thứ ba trên Android và Windows. Tuy nhiên, điều này sẽ mở ra yêu cầu buộc Apple phải giới thiệu hỗ trợ các cửa hàng ứng dụng bên thứ ba cho iPhone, ít nhất ở châu Âu.
EU cho biết DMA sẽ thay đổi toàn cảnh kỹ thuật số một cách sâu sắc, đánh dấu bước đi tích cực của EU nhằm đảm bảo thị trường kỹ thuật số công bằng, minh bạch và có thể cạnh tranh. Một số ít các công ty lớn nắm trong tay quyền lực thị trường đáng kể và cần chứng minh họ đang cạnh tranh công bằng. Đồng thời, EU cũng kêu gọi những “người gác cổng”, các đối thủ hoặc tổ chức tiêu dùng của họ cùng tham gia thảo luận để triển khai DMA một cách tốt nhất.
Đạo luật DMA sẽ bắt đầu được áp dụng từ ngày 2/5/2023, sau giai đoạn triển khai kéo dài 6 tháng. Đây không phải là luật duy nhất mà Apple quan tâm gần đây. Trước đó, EU đã thông qua luật buộc iPhone của Apple phải sử dụng cổng USB-C thay vì Lightning độc quyền.