Toshiba đang phải đối mặt với hàng tỉ USD thua lỗ từ thương vụ kinh doanh mảng năng lượng hạt nhân Westinghouse
Theo Bloomberg, Apple đang cân nhắc một loạt lựa chọn trong việc hợp tác với Hon Hai Precision Industry của Đài Loan để tham gia cùng với các nhà đầu tư Nhật Bản theo một đề nghị đấu giá. Tập đoàn SoftBank cũng đang xem xét tham gia vào cuộc đấu giá đơn vị chip của Toshiba, và có thể sẽ hợp tác với Hon Hai hoặc Apple.
Việc Apple tham gia vào cuộc bán đấu giá có thể cải thiện viễn cảnh phá sản của tập đoàn điện tử 142 năm tuổi trước thất bại trong hoạt động kinh doanh của nhà máy hạt nhân Westinghouse, dẫn tới hàng tỉ USD thua lỗ.
Toshiba cần phải huy động tiền từ việc bán các bộ phận bán dẫn để bổ sung lỗ trống trong bảng cân đối kế toán, nhưng quá trình đấu thầu cho đến thời điểm này vẫn còn rất phức tạp. Hơn nữa, “đại gia” công nghệ này đang phải cảnh giác với quyết định tham gia đấu thầu của Hon Hai trong việc kiểm soát hoàn toàn đơn vị chip vì Toshiba dự đoán chính phủ Nhật Bản và Mỹ sẽ lên tiếng phản đối.
Các chip nhớ của Toshiba được sử dụng trong điện thoại thông minh, máy tính cá nhân và các trung tâm dữ liệu. Các đơn vị bán dẫn, trong báo cáo tuần này cho thấy tăng trưởng lợi nhuận tương đối tích cực, đồng thời nhận được mức giá thầu đề xuất vào khoảng 2 - 3 tỉ yen từ Hon Hai, SK Hynix, và nhà sản xuất chip Broadcom.
Tuy nỗ lực của Toshiba trong việc bán bộ phận bán dẫn và đấu thầu các đơn vị chip đã đem lại một số dấu hiệu khả quan, nhưng đối tác liên doanh Western Digital Corp thông báo rằng động thái này có thể vi phạm hợp đồng liên doanh giữa hai bên. Steve Milligan, Giám đốc điều hành của Western Digital, đã viết một lá thư cho hội đồng quản trị Toshiba vào hôm 9/4, để nói rằng Toshiba nên đàm phán độc quyền với công ty của ông trước khi bán bất kỳ sản phẩm nào.
“Một điều tích cực là công ty đã cho thấy lợi nhuận quý thứ ba trong mảng kinh doanh bộ nhớ, tạo tiền đề đảm bảo các sản phẩm này có thể bán được với mức giá tốt. Nhưng vẫn còn rất nhiều điểm tiêu cực mà tôi thậm chí không biết bắt đầu từ đâu”, Kazunori Ito, nhà phân tích tại Morningstar Investment Services, cho biết.
Được biết, hôm 11/4, Toshiba thực hiện một bước đi không bình thường khi báo cáo lợi nhuận quý 3 mà không cần sự chấp thuận từ phía kiểm toán. Điều này có thể gây nguy hiểm cho việc niêm yết của hãng trên Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE).
Tháng trước Toshiba trình báo một bản báo cáo chi tiết các kế hoạch cải thiện kiểm soát nội bộ. Nhưng nếu báo cáo này được đánh giá là không đủ chi tiết, “ông lớn” công nghệ Nhật Bản có thể sẽ phải đối diện với quyết định phải hủy bỏ niêm yết. TSE đã đưa Toshiba vào danh sách cảnh báo an toàn chứng khoán sau khi hãng này được cho là đã đưa ra báo cáo lợi nhuận quá mức trong giai đoạn 2008 - 2014.