Apple hợp tác Google chống dịch Covid-19 bằng hệ thống theo dõi tiếp xúc

Apple hợp tác Google chống dịch Covid-19 bằng hệ thống theo dõi tiếp xúc
Tạp chí Nhịp sống số - Bỏ qua chuyện là đối thủ của nhau, Google và Apple đang bắt tay nhau để tạo nên hệ thống theo dõi tiếp xúc nhằm chống Covid-19. Tuy nhiên, điều đó đã làm bùng lên lo ngại về bảo mật riêng tư cho người sử dụng.

Giải pháp mà 2 công ty đưa ra là theo dõi điện thoại của người sử dụng thông qua nhận dạng thiết bị. Điện thoại sẽ đóng vai trò như trạm tín hiệu thông tin không định danh; sử dụng Bluetooth trên Android và iOS để vận hành hệ thống theo dõi mở rộng. Khi bạn tiếp xúc với một ai đó, bạn sẽ trao đổi một khóa định tính vô danh. Việc trao đổi này sẽ được ghi nhận lại trên hệ thống máy chủ của Google và Apple; cho phép họ mô hình hóa được bạn đã tiếp xúc những ai trong từng thời gian cụ thể.

Khi một người dương tính với virus Corona chủng mới, họ có thể ghi nhận lại kết quả xét nghiệm vào một ứng dụng do cơ quan y tế cộng đồng phát hành. Ứng dụng này không nhất thiết phải được phát triển bởi Apple hay Google. Người khác khi tiếp xúc với người dương tính này sẽ nhận được cảnh báo cho dù là nhiều ngày sau đó. Sẽ không ai nhận được danh tính cụ thể của người bị nhiễm bệnh vì lý do riêng tư.

Apple và Google cho biết hệ thống theo dõi tiếp xúc sẽ được chạy chính thức trong vài tháng tới. Vào tháng 5 này, 2 công ty sẽ cho phát hành các giao thức hỗ trợ lập trình ứng dụng (APIs) tích hợp vào các ứng dụng chạy trên iOS và Android do các cơ quan y tế cộng đồng phát triển.

Quan ngoại về vấn đề bảo mật thông tin riêng tư

Trong khi Trung Quốc và Hàn Quốc sử dụng ứng dụng điện thoại để theo dõi Covid-19, những phương pháp tương tự được giới thiệu tại Anh và Mỹ vẫn bị hoài nghi. Dân chúng có quyền lo lắng về việc bị theo dõi và có dấu hiệu cho thấy nó là một hệ thống theo dõi diện rộng.

Apple và Google đã xây dựng một số tính năng bảo vệ thông tin riêng tư cho hệ thống. Các công ty không thu thập thông tin nhận dạng người dùng hoặc vị trí GPS. Danh sách những người đã tiếp xúc cũng không được lưu trên bất cứ thiết bị của ai. Nếu một người dùng cập nhật kết quả dương tính vào ứng dụng sức khỏe cộng đồng kết nối với Apple và Google, hệ thống sẽ cần sự đồng thuận của người này trước khi phát đi cảnh báo những người khác về việc tiếp xúc trong 14 ngày vừa qua.

Việc cần người sử dụng xác nhận đồng ý cung cấp thông tin sẽ làm giảm đi sự chính xác cho hệ thống. Tuy nhiên theo The New York Times, Giáo sư Michael Parker từ Trường đại học Oxford cho rằng “ở Mỹ và châu Âu thì không thể làm giống như Trung Quốc được".

Theo TechRadar, mặc dù có sự đảm bảo từ phía Google và Apple, chính phủ Mỹ cũng sẽ gây áp lực rất lớn lên những công ty này dưới danh nghĩa chống đại dịch Covid-19. Bằng cách chỉ chuyển giao một khóa định tính vô danh, Apple và Google cam kết sẽ bảo vệ chặt chẽ thông tin cá nhân của người dùng để bảo vệ danh tiếng của công ty.

Cả Apple lẫn Google đều nhấn mạnh hệ thống theo dõi tiếp xúc chống Covid-19 này phải ưu tiên trước hết cho vấn đề bảo mật thông tin. Tuy nhiên vẫn có nhiều hoài nghi cho việc người ta sẽ vận hành nó thế nào; sau khi hết dịch liệu nó còn tiếp tục theo dõi hay không là câu hỏi chưa có câu trả lời.

Dù sao đi nữa, hệ thống theo dõi tiếp xúc rõ ràng là một giải pháp cấp thiết cho dù nó có làm dấy lên nhiều quan ngại.

Có thể bạn quan tâm

Theo Bộ TT- TT, quảng cáo trên môi trường mạng ngày càng khẳng định vị thế quan trọng với hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp. Do đó cần mở rộng hơn nữa danh sách trắng để doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến.