Apple lại bị kiện vì công nghệ truyền tập tin AirDrop

Apple lại bị kiện vì công nghệ truyền tập tin AirDrop
Tạp chí Nhịp sống số - Apple lại một lần nữa bị Uniloc khởi kiện, với cáo buộc vi phạm các sáng chế của Philips năm 2006 khi phát triển công nghệ chuyển tập tin AirDrop của mình.

Apple lại bị kiện vì công nghệ truyền tập tin AirDrop

Với đơn kiện gửi lên tòa án Quận Tây Texas (Mỹ), Uniloc viện tới phát minh của Jonathan Griffiths (số hiệu bằng sáng chế Mỹ 7.136.999) về "Phương thức và hệ thống xác thực thiết bị điện tử". Đây là công nghệ cho phép tạo ra môi trường an toàn để truyền tải dữ liệu giữa hai thiết bị thông qua các kết nối không dây, bao gồm cả Bluetooth.

Theo mô tả sáng chế, quy trình xác thực thiết bị ban đầu sẽ được thực hiện qua một kết nối không dây tầm ngắn (ví dụ như Bluetooth). Sau khi thao tác này được hoàn tất, hai thiết bị sẽ có thể tương tác kể cả khi không nằm trong khoảng giao tiếp của kết nối nói trên (thông qua kết nối tầm xa hơn như wifi). Các thiết bị này sau đó cũng có thể chia sẻ xác thực cho những thiết bị khác.

Quyền sở hữu sáng chế nói trên đã chuyển đổi qua khá nhiều chủ sở hữu, kể từ khi lần đầu đăng ký vào năm 2000. Cùng năm đó, Griffiths đã chuyển cho Philips Electronics, trước khi đơn vị này giao cho IPG Electronics 503 Limited vào năm 2009. Tới năm 2012, sáng chế tiếp tục được chuyển cho Pendragon Wireless, để rồi về tay hệ thống Uniloc vào tháng 2-2018.

Về phần mình, AirDrop là công nghệ được Apple triển khai lần đầu trên hệ điều hành macOS X 10.7 (Lion) vào năm 2011, là giao thức cho phép đơn giản hóa quá trình truyền tải tập tin giữa các thiết bị Apple. Ban đầu, AirDrop chỉ hỗ trợ truyền dữ liệu giữa hai máy Mac thông qua wifi, nhưng sau đó được cải tiến và hỗ trợ cả các thiết bị iOS (kể từ hệ điều hành iOS 7 vào năm 2013). Phiên bản mới này sử dụng Bluetooth để phát hiện các thiết bị xung quanh và xác thực bảo mật, trước khi dùng tới wifi để truyền dữ liệu. Đây cũng chính là mục tiêu bị Uniloc nhắm tới trong vụ kiện lần này.

Cũng theo đơn kiện, toàn bộ các thiết bị sử dụng AirDrop của Apple đều là bằng chứng vi phạm, bao gồm toàn bộ iPhone từ dòng 5 tới Xs Max mới nhất, iPad thế hệ thứ 4 và thứ 5, cùng với toàn bộ iPad Mini, iPad Air, iPad Pro, Macbook, Macbook Air, Macbook Pro, iMac, Mac Mini và Mac Pro. iPod thế hệ thứ 5 và iPod Touch thế hệ thứ 4,5,6 đều không ngoại lệ.

Dĩ nhiên, đây không phải lần đầu tiên Uniloc kiện Apple để mong tìm kiếm các khoản tài chính bồi thường. Năm 2017, đơn vị này đã kiện "Táo" với trung bình một đơn kiện mới mỗi tháng. Trong tháng 4 cùng năm đó , Uniloc lập kỉ lục khi khởi kiện liên quan cả tới ứng dụng Maps, công nghệ Apple ID, công nghệ cập nhật phần mềm từ xa. Một tháng sau đó, họ kiện tiếp về AirPlay, tự quay số, công nghệ pin. Bước sang tháng 6, cuộc chiến lại tiếp diễn với cơ chế đánh thức thiết bị, theo dõi bước đi, Apple Watch...

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.