Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, các công ty phát nội dung trực tuyến nước ngoài có doanh thu gần 1.000 tỉ đồng (43,15 triệu USD) từ khoảng một triệu thuê bao tại Việt Nam nhưng lại chưa bao giờ đóng thuế.
Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại cuộc họp Chính phủ rằng, “Các công ty trong nước phải tuân thủ các quy định về thuế và nội dung, trong khi các công ty nước ngoài lại đứng ngoài cuộc và rõ ràng đó là hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh. Ngoài ra, một số nội dung trên Netflix đã vi phạm các quy định liên quan đến chủ quyền và lịch sử đất nước, cũng như văn hóa sử dụng ma túy và tình dục trên màn ảnh”.
Việt Nam đã ban hành luật An ninh mạng cách đây 2 năm, trong đó yêu cầu tất cả doanh nghiệp nước ngoài có thu nhập từ các hoạt động trực tuyến tại Việt Nam phải lưu trữ dữ liệu của họ trong nước.
Netflix cho biết họ không có kế hoạch đặt máy chủ hay mở văn phòng đại diện tại Việt Nam tại thời điểm này. Trong một tuyên bố với Reuters, công ty cho biết họ sẽ tiếp tục tham gia với chính phủ để thảo luận về các quy định liên quan đối với các dịch vụ truyền phát video để có thể hoạt động suôn sẻ tại Việt Nam, người phát ngôn của Netflix cho biết, “chúng tôi ủng hộ một cơ chế thuận lợi để giúp các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài tại Việt Nam như Netflix tìm kiếm doanh thu và nộp thuế. Nhưng hiệu nay vẫn chưa có cơ chế như vậy”.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các bộ Thông tin và Truyền thông, Tài chính và cục thuế đang làm việc để tạo điều kiện thu thuế bằng cách tính toán doanh thu của các công ty phát trực tuyến nước ngoài tại Việt Nam kể từ khi họ tham gia thị trường. Ngoài Việt Nam, các nước trong khu vực như Philippines, Thái Lan và Indonesia gần đây cũng đã thông qua hoặc soạn thảo các dự luật nhằm đảm bảo truy thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh nội dung số trên lãnh thổ của họ.