AVG - 5 năm một cuộc chơi tốn kém

AVG - 5 năm một cuộc chơi tốn kém
Tạp chí Nhịp sống số - Chính thức ra mắt năm 2010 với suất đầu tư lớn cùng nhiều kỳ vọng, song trước khi về với MobiFone, AVG không để lại nhiều dấu ấn trên thị trường truyền hình trả tiền vốn rất khốc liệt tại Việt Nam.

AVG - 5 năm một cuộc chơi tốn kém

Sau nhiều đồn đoán, Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) vừa được Tổng công ty Viễn thông MobiFone công bố mua lại với mức giá chưa tiết lộ. Mục tiêu của MobiFone trong thương vụ M&A này là trở thành một đại gia trong lĩnh vực truyền hình trả tiền tại Việt Nam (top 3 vào năm 2020), như cách mà họ đã khẳng định được từ lâu trong mảng viễn thông. Đây cũng là cái đích mà những ông chủ cũ của AVG từng nhắm tới khi gây dựng.

Năm 2004, ông Phạm Nhật Vũ, em trai Chủ tịch Vingroup - Phạm Nhật Vượng, bắt đầu tuyển dụng một nhóm nhân sự và nghiên cứu lĩnh vực truyền hình trả tiền. Đến năm 2008, AVG chính thức được thành lập với vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng, đến chủ yếu từ Nhóm các nhà đầu tư An Viên (An Viên Group) - tổ chức được ông Vũ giới thiệu khi đó.

Sự kiện ghi dấu ấn xuất hiện của AVG trên thị trường đến vào năm 2010, khi giữa bối cảnh các nhà đài khác lao vào cuộc chiến bản quyền bóng đá quốc tế, đơn vị này lại rầm rộ tuyên bố tài trợ cho bóng đá Việt Nam, cũng như hàng loạt các liên đoàn thể thao trong nước khác. Đổi lại, AVG cũng đàm phán với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) để độc quyền phát sóng các giải đấu trong vòng 20 năm. Bản hợp đồng này sau đó bất thành trước ý kiến trái chiều từ các bên, nhất là các "ông trùm" bóng đá.

Ở góc độ chuyên môn, AVG bắt đầu phát sóng thử nghiệm cuối năm 2010, trước khi chính thức khai thác thương mại một năm sau đó. Tại buổi họp báo ngày 18/12/2010, Chủ tịch Phạm Nhật Vũ khẳng định đơn vị này không phải đài truyền hình mà chỉ thực hiện chức năng truyền dẫn phát sóng và sản xuất, cung cấp dịch vụ truyền hình giải trí có thu phí (việc chịu trách nhiệm nội dung thuộc về các nhà đài liên kết). Các dịch vụ sẽ được cung cấp trên 2 hạ tầng là truyền hình kỹ thuật số mặt đất (DTT) và truyền hình kỹ thuật số vệ tinh (DTH).

Trả lời báo giới khi đó, ông Vũ cho biết, số lượng người xem truyền hình trả tiền sẽ là một trong các nguồn thu của AVG, bên cạnh các nguồn khác như bán quảng cáo, các dịch vụ tương tác, mua bán bản quyền...

Ở thời điểm mới gia nhập thị trường, tuy không công bố nhưng theo các chuyên gia trong ngành, AVG cũng vạch rõ chiến lược kinh doanh là sẽ tập trung vào năm 2015 – thời điểm chấm dứt việc phát sóng analog theo chủ trương chung của Chính phủ và khán giả chỉ có thể xem truyền hình qua cáp hoặc đầu thu kỹ thuật số. Sự chuẩn bị của AVG cho cột mốc nêu trên không chỉ có chuyện mua bản quyền thể thao và đầu tư cho hạ tầng mà còn ở việc thu hút nguồn chất xám của nhiều nhà đài lớn.

Trong khoảng 2 năm đầu thành lập, không ít nhân vật nổi tiếng trong làng truyền hình đã lần lượt về đầu quân cho AVG, cùng với kỳ vọng tạo ra một làn gió mới trên thị trường. Những sự đầu tư cả về vật chất lẫn con người ấy, nhìn chung, đều phải đánh đổi bởi những khoản chi phí rất lớn.

Tuy nhiên sau hơn 5 năm hoạt động, dấu ấn của AVG trên thị trường truyền hình trả tiền còn khá mờ nhạt. Một chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm và cũng đang làm việc trong mảng truyền hình của một nhà mạng đánh giá khả năng cạnh tranh của AVG hiện còn khá yếu, mặc dù tiềm lực và xuất phát điểm tốt.

Do xác định ngay từ đầu là đơn vị truyền dẫn nên sự đầu tư về kỹ thuật của AVG khá bài bản, đồng bộ và đạt tiêu chuẩn tốt. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh gay gắt, việc thiếu bản sắc cũng như yếu về khâu sản xuất nội dung… đã khiến đơn vị này bộc lộ nhiều thua thiệt, nhất là trong khoảng 3 năm gần đây.

Theo số liệu của Bộ Thông tin & Truyền thông, tính đến cuối năm 2014, tổng thuê bao của AVG chỉ vào khoảng 450.000, một con số khá khiêm tốn so với thị trường 9,9 triệu thuê bao truyền hình trả tiền (gồm cả truyền hình cáp và số vệ tinh).

So sánh trong số 3 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình số vệ tinh gồm VSTV (sở hữu hệ thống K+) và VTC thì hiện thuê bao của AVG cũng ít nhất. 2 năm trở lại đây, trong khi 2 đối thủ liên tục tăng trưởng tốt về số thuê bao thì tốc độ của AVG lại gần như chững lại. Hơn nữa, các thuê bao của AVG chủ yếu phát triển ở vùng nông thôn nhờ giá cước rẻ (từ 20.000-50.000 đồng mỗi tháng), thậm chí miễn phí thuê bao từ 1-2 năm nên khả năng gia tăng các nguồn thu từ dịch vụ khác cũng không đáng kể.

Một yếu tố nữa cũng rất quan trọng là về nội dung – vốn không được coi là thế mạnh của đơn vị này. Ở thời điểm không giành được độc quyền phát sóng V-League, mảng nội dung trọng tâm của đơn vị cũng bế tắc. Là nhà cung cấp dịch vụ và xây dựng hạ tầng truyền hình nên AVG cũng không được độc lập đứng tên làm chủ các kênh để tự sản xuất, mà phải liên kết với các đài. Tuy nhiên, họ cũng không làm tốt việc này khi không tạo dựng được bản sắc hoặc chỉ bó hẹp trong một số nhóm đối tượng khán giả khu biệt.

Mặc dù lượng thuê bao truyền hình trả tiền nói chung tăng trưởng khá đều đặn trong những năm qua (tính đến giữa năm 2015 tăng 30% so với cùng kỳ), song với sự gia nhập của những tên tuổi viễn thông Viettel, FPT, VNPT…, cuộc đua giá cước đã khiến bài toán "nhặt bạc lẻ" với một nhà đầu tư đã phải bỏ vốn "bạc vạn" như AVG càng trở nên nan giải.

Giữa bối cảnh ấy, việc MobiFone mua lại 95% cổ phần vừa qua có thể xem là một bước ngoặt quan trọng với đơn vị truyền hình này. Một lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông nhận định việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho truyền hình mất khá nhiều thời gian, ít nhất khoảng một năm. Do đó, mua lại sẽ giúp phía MobiFone tận dụng được hạ tầng cũng như thuê bao sẵn có của AVG. Sau khi công bố thương vụ, lãnh đạo MobiFone cũng cho bày tỏ kỳ vọng đến năm 2020 sẽ lọt Top 3 thị phần về thuê bao truyền hình trả tiền. Gần hơn, nhà mạng kỳ vọng có thể phát triển thêm một triệu thuê bao trong năm 2016.

"Cùng với việc kết hợp các dịch vụ giữa viễn thông di động và truyền hình, phát triển những chương trình mới, tôi cho rằng tương lai của AVG là khá sáng sủa. Tuy nhiên, để lọt vào Top 3 về thị phần, MobiFone phải nỗ lực lớn vì thị trường đang có rất nhiều đối thủ lớn, tiềm lực không thua kém", một chuyên gia đến từ VTC nhận định.

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.