Ba đòn bẩy cho phục hồi doanh nghiệp sau COVID-19

Ba đòn bẩy cho phục hồi doanh nghiệp sau COVID-19
Tạp chí Nhịp sống số - COVID-19 đã làm "đứt gẫy" nhiều quan hệ hợp tác xuyên biên giới cũng như các chuỗi cung ứng. Nhưng nó cũng mang đến những cơ hội mới, khi các doanh nghiệp nhận ra sự cấp thiết của việc tăng cường khả năng phục hồi với 3 đòn bẩy quan trọng.

Theo đó, nhận ra sự cấp thiết của việc tăng cường khả năng phục hồi, đặc biệt là trong các chuỗi cung ứng. Để đạt được điều này, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã thay đổi cách nhìn nhận về xây dựng và tổ chức vận hành doanh nghiệp, trong đó chú trọng tăng cường ba đòn bẩy: số hóa, hợp tác toàn cầu và bản địa hóa. 

Cách tiếp cận đa chiều này là chìa khóa không những giúp các doanh nghiệp thích nghi với trạng thái “bình thường mới” ở hiện tại mà còn đảm bảo sự sẵn sàng đối mặt với mọi thách thức có thể phát sinh trong tương lai. 

Kết nối kỹ thuật số liền mạch

Số hóa đã được nhiều nhà lãnh đạo chú ý đến từ trước đại dịch và ở thời điểm hiện tại, nó càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Để hỗ trợ thương mại và chuỗi cung ứng, doanh nghiệp cần xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số liền mạch cho phép trao đổi kiến thức, phê duyệt, chứng nhận và cấp phép nhanh chóng giữa các khu vực, từ đó giảm thiểu thời gian chu kỳ và chi phí. 

Để làm được điều này, cần có sự hợp tác công – tư trong các hoạt động như huy động vốn, hoạch định chính sách và triển khai cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cần thiết. Những hoạt động này đã manh nha xuất hiện từ trước đại dịch và đến sau đại dịch, chúng mới được thúc đẩy rõ rệt.

Tăng cường hợp tác

Việc gia tăng các mối quan hệ hợp tác trên toàn cầu có thể giúp tăng khả năng phục hồi cho các chuỗi cung ứng. 

Minh chứng cho điều này có thể nhìn vào câu chuyện của GE Healthcare. Năm ngoái, khi nhu cầu về máy thở tăng cao, GE Healthcare đã xin phê duyệt việc sử dụng các máy mê hiện có để làm máy thở ở Úc, bổ sung thêm khoảng 1.500 máy thở khẩn cấp cho đất nước này. Nếu không có quan hệ hợp tác với các cơ quan quản lý và y tế thì sẽ không thể thực hiện được việc này.

Còn tại Indonesia, ngay trong đại dịch, GE đã chuyển giao công nghệ tuabin khí HA  cho dự án Java One đúng tiến độ. Dự án này rất quan trọng đối với Indonesia, dự kiến sẽ bổ sung hơn 1,7 GW điện vào lưới điện nước này, đủ để phục vụ cho 11 triệu hộ gia đình. Để đạt được kết quả này, GE phải làm việc chặt chẽ với các đối tác đồng thời tuân thủ các quy định và quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn. 

Các mối quan hệ hợp tác cũng rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự đổi mới chuỗi cung ứng sắp tới, có thể là trong lĩnh vực kỹ thuật số. Quan điểm này được phản ánh trong kết quả khảo sát Xu hướng đổi mới sáng tạo toàn cầu được GE công bố gần đây. Theo kết quả của khảo sát, 86% giám đốc điều hành cấp cao trên 10 quốc gia tin rằng việc gia tăng các mối quan hệ hợp tác giữa các nước, các ngành và lĩnh vực sẽ giúp thúc đẩy cải tiến đổi mới.

Địa phương hóa

Điều cuối cùng và có lẽ cũng là yếu tố gây tác động mạnh mẽ nhất trong việc tăng cường chuỗi cung ứng là địa phương hóa. Trở lại với GE, chỉ tính riêng khu vực ASEAN, GE đã đầu tư vào một số cơ sở sản xuất và khu công nghiệp, ví dụ như các nhà máy bảo trì, lắp đặt và sữa chữa (MRO) máy bay ở Malaysia và Singapore, GE Repair Solutions Singapore là một trong những trung tâm sửa chữa và cải tiến tuabin khí hạng F và các tuabin khí chạy bằng động cơ máy bay lớn nhất của GE… Ở Việt Nam, GE phát triển nhà máy sản xuất máy tuabin gió duy nhất của cả nước ở Hải Phòng, một trong hai nhà máy sản xuất lò hơi thu hồi nhiệt (HRSG) trên toàn cầu ở Dung Quất, Quảng Ngãi, và một xưởng dịch vụ tuabin khí ở Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu. 

Nhờ chiến lược địa phương hóa, trong thời gian đại dịch, những cơ sở địa phương đã giúp GE giải quyết hạn chế trong di chuyển và vận chuyển hàng hóa. Việc quy tụ được nhiều nhân sự tài năng ở từng nước và trên khắp thế giới cũng giúp doanh nghiệp này tiếp tục thực hiện được các dự án với ít gián đoạn nhất có thể.

Bằng cách duy trì một tầm nhìn rõ ràng về tương lai, dựa trên những gì đang thực sự xảy ra chứ không phải những gì đã xảy ra hoặc những gì chúng ta ước ao, các doanh nghiệp có thể có được khả năng phục hồi cần thiết để vượt qua mọi thách thức và thay đổi có thể phải đối mặt trong tương lai.

 

Có thể bạn quan tâm