Từ giỏ hàng Tết của người dùng, có thể phần nào cho thấy "bức tranh" rộng hơn về hành vi tiêu dùng và mức chi tiêu của khách hàng, từ đó giúp các doanh nghiệp và người bán tìm ra giải pháp thúc đẩy doanh số.
Những sản phẩm nào được "ưu ái" trong giỏ hàng Tết của người dùng?
Tại sự kiện TETastic with TikTok - Khởi sắc Doanh số ngày 13/01 vừa qua tại Hà Nội, bà Kha Lệ Trinh – Giám đối tác chiến lược TikTok SMB Việt Nam - cho biết: qua số liệu trên nền tảng TikTok, có 5 nhóm sản phẩm top đầu trên giỏ hàng Tết của người dùng, bao gồm: Thực phẩm & Đồ uống, Thời trang & Phụ kiện, Đồ dùng gia đình (60%), Công nghệ & Điện tử (55%), Làm đẹp & Chăm sóc cá nhân (50%).
"Có đến 96% người dùng trong tổng số 670 người tham gia khảo sát lựa chọn phương án có sản phẩm là thực phẩm và đồ uống trong giỏ hàng vào dịp Tết", bà Trinh nói. Đây vốn là điều dễ hiểu khi mùa Tết của người Việt luôn gắn với các buổi liên hoan, các bữa tiệc gia đình...
Cùng đó, 62% người tiêu dùng cho biết các sản phẩm Thời trang & Phụ kiện nằm trong giỏ hàng Tết trên TikTok của họ. Các yếu tố chính tác động đến quyết định mua hàng thường là kiểu dáng, xu hướng và giá cả.
Loại sản phẩm đứng thứ 3 chiếm 60% sự lựa chọn của người mua trong giỏ hàng Tết là các Đồ dùng gia đình, gắn với xu hướng tự thiết kế và trang trí nhà cửa để khang trang đón khách.
Với số đông người dùng TikTok là các khách hàng trẻ, các sản phẩm công nghệ và điện tử cũng "chiếm sóng" dịp Tết, phục vụ nhu cầu giải trí hay du lịch.
Và cuối cùng, không thể thiếu trong dịp này là sự góp mặt của các sản phẩm làm đẹp và chăm sóc cá nhân (chiếm 50% bình chọn của người dùng).
Trải nghiệm mua hàng không gián đoạn mang lại hiệu ứng tích cực
Theo bà Kha Lệ Trinh, cùng với tính thời điểm (mùa Tết) thì các ưu đãi và trải nghiệm mua hàng không gián đoạn mang đến những hiệu ứng tích cực thể hiện qua các "giỏ hàng Tết" này của người dùng trên TikTok.
Cụ thể, theo đại diện TikTok, 71% số người tham gia khảo sát cho biết thích nhận khuyến mãi và ưu đãi, 64% thích trải nghiệm mua hàng không gián đoạn. Tận dụng ưu thế này, TikTok Shop tại Việt Nam đã “ghi bàn” về mặt doanh số với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong dịp cuối năm 2023. Cùng đó, TikTok đã áp dụng xu hướng quảng cáo kết hợp với giải trí trong thị trường thương mại cộng đồng. Đây được cho là điểm mấu chốt mang đến sự thành công của TikTok khi vươn lên trở thành sàn thương mại điện tử đứng thứ 3 sau Shopee và Facebook.
Ở góc độ rộng hơn, dự báo về sự phát triển nền kinh tế của Việt Nam cuối năm 2023, đầu năm 2024, bà Lê Minh Trang - Phó giám đốc NielsenlQ Việt Nam lưu ý rằng dự kiến đến 2024, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam được kỳ vọng ở mức độ trung bình gần tương đương với Trung Quốc, doanh thu của ngành hàng tiêu dùng so với trước Tết năm 2024 đạt 54%. Như vậy các ngành hàng tiêu dùng sẽ là ngành hàng rất quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường.