Rất nhiều đồng tiền ảo hiện nay đều hoạt động dựa trên công nghệ blockchain. Công nghệ này chỉ cho phép dữ liệu được ghi 1 lần và không thể xoá hay ghi đè. Như vậy những thông tin về giao dịch sẽ được đảm bảo không thể sửa chữa và những người sử dụng tiền ảo tin vào điều này.
Tuy nhiên thực tế blockchain không chỉ có tác dụng với tiền ảo, nó còn có thể áp dụng trong công nghệ hợp đồng điện tử, vào các dịch vụ tài chính. Business Insider dẫn lại dự đoán của nhiều chuyên gia, nền công nghiệp blockchain có thể đạt giá trị từ 300 đến 400 tỷ USD vào năm 2027.
Vậy chính xác công nghệ này hoạt động thế nào?
Một cách hiểu đơn giản mà chính xác nhất lúc này, blockchain là một quyển sổ cái kỹ thuật số. Mỗi đơn vị trong sổ này được gọi là một khối. Các khối sẽ nằm ở vị trí chính xác của mình vì nó được liên kết với khối trước và khối sau. Liên kết này sẽ gần như không thể chỉnh sửa được. Khối sinh ra sau sẽ luôn nằm ở vị trí sau khối ngay trước.
Bên trong mỗi khối sẽ chứa nội dung hoàn chỉnh từ khi khối đó ra đời đến thời điểm hiện tại. Tất cả các khối đều hoạt động theo nguyên tắc này.
Những gì xảy ra khi một giao dịch phát sinh trong mạng lưới blockchain (theo: Business Insider)
Khi một người thực hiện giao dịch, như vậy giao dịch của họ sinh ra một khối dữ liệu mới. Khối dữ liệu này sẽ được chuyển tới mọi máy tính, thiết bị tham gia mạng lưới. Khi tất cả các thiết bị trong mạng lưới chấp nhận khối dữ liệu này, khối sẽ được thêm vào quyển sổ cái ban đầu và mọi thứ chắc chắn không thể thay đổi được.
Chính vì mọi khối dữ liệu đều hoạt động theo một nguyên tắc chung, nếu không theo nguyên tắc sẽ không được ghi nhận vào sổ cái nên không cần một cơ quan hay tổ chức nào kiểm soát blockchain.
Toàn bộ sổ cái này sẽ được phân phối đều cho các thiết bị trong mạng lưới, do đó tin tặc không thể tấn công 1 thiết bị và tạo ra thay đổi trên hệ thống. Đây là điểm khiến blockchain an toàn hơn ngân hàng bình thường.
Blockchain còn sử dụng trong việc gì?
Nhờ khả năng không thể sửa mà nhiều hoạt động có thể sử dụng công nghệ này làm công cụ đảm bảo như hợp đồng thông minh. Hợp đồng thông minh với blockchain sẽ hoạt động theo nguyên tắc “nếu… thì…”.
Ví dụ người A muốn thuê của người B một căn hộ giá 1.000 USD. Khi người B nhận được số tiền chuyển khoản của người A, thì người A sẽ tự nhận được mã mở khoá căn hộ của người B. Mọi gian lận đều không diễn ra do blockchain không thể sửa đổi.
Blockchain có điểm hạn chế gì?
Quay lại vấn đề công nghệ ban đầu, mọi hoạt động giao dịch trong mạng lưới blockchain đều được ghi nhận toàn bộ. Toàn bộ này gồm cả những giao dịch và những lịch sử trong quá khứ. Do đó tốc độ xử lý giao dịch rất chậm.
Bitcoin hiện nay chỉ xử lý được 7 giao dịch mỗi giây, một đồng tiền ảo phổ biến khác là Ethereum có thể xử lý 13 giao dịch trong khi năm 2014, mạng lưới thẻ Visa có thể xử lý 56.000 giao dịch mỗi giây.
Khi nhu cầu thị trường tăng lên, các loại tiền ảo như Bitcoin hay Ethereum sẽ được điều chỉnh để năng khả năng xử lý.
Việc điều chỉnh quy tắc blockchain sẽ cần có sự đồng thuận của các thiết bị trong mạng lưới (theo: Business Insider)
Việc điều chỉnh này có thể là tách đồng tiền cũ thành 2 đồng tiền mới. Như tháng 8/2017, Bitcoin tách làm 2 đồng Bitcoin hiện nay và một đồng tiền mới là Bitcoin Cash.
Tuy nhiên mọi việc điều chỉnh đồng tiền mới phải có sự đồng thuận cao từ các thiết bị tham gia mạng lưới. Hồi đầu tháng 11, Bitcoin cũ dự định sẽ có nâng cấp giúp tăng kích thước mỗi khối dữ liệu lên gấp đôi giúp tăng năng suất giao dịch, nhưng vì không có sự đồng thuần cao nên việc nâng cấp đã không diễn ra, niềm tin của các nhà đầu tư giảm nên trong tuần đầu tháng 11, Bitcoin đã mất giá rất mạnh.
Những nền tảng mới ngoài Bitcoin
Bên cạnh đồng tiền ảo mạnh nhất thế giới Bitcoin, rất nhiều nền tảng khác cũng đang sử dụng công nghệ này trong đó có Ethereum và Hyperledger.
2 nền tảng này cho phép mọi người xây dựng blockchain của riêng mình. Ehtereum cũng nổi tiếng với đồng tiền riêng được nhiều startup sử dụng.