Bitcoin đang ngốn quá nhiều năng lượng của thế giới

Bitcoin đang ngốn quá nhiều năng lượng của thế giới
Tạp chí Nhịp sống số - Lượng điện mà Bitcoin tiêu thụ bằng với lượng điện của một quốc gia, và có thể sẽ chiếm đến 5% lượng điện mà thế giới sản xuất trong tương lai.

Việc “đào” Bitcoin tốn rất nhiều điện năng, và khi ngày càng nhiều “thợ mỏ” tham gia vào cơn sốt tiền ảo, lượng năng lượng cần thiết để đào được một đồng xu sẽ tăng lên với tốc độ chóng mặt. Theo một nghiên cứu mới, toàn bộ mạng lưới Bitcoin có thể sẽ ngốn đến 7,7 gigawatt điện vào cuối năm nay, đủ để cấp điện cho một quốc gia như nước Áo.

Chưa hết, nếu giá của Bitcoin tiếp tục tăng như một số chuyên gia dự đoán, việc đào đồng tiền ảo này có thể sẽ tiêu thụ đến 5% tổng lượng điện của toàn thế giới. Đây là một con số khổng lồ, và cho thấy rằng Bitcoin trong tình trạng hiện tại là một đồng tiền vô cùng không hiệu quả, không thể tồn tại lâu dài và là mối đe dọa với môi trường.

Alex de Vries, người sáng lập Digiconomist, cố vấn của tổ chức PwC và là tác giả của nghiên cứu này ước tính rằng hiện tại, Bitcoin đang tiêu hao 2,55 Gigawatt điện, và một giao dịch duy nhất tiêu hao lượng điện bằng với một hộ gia đình dùng trong cả tháng. Bằng cách phân tích xu thế đào tiền ảo hiện tại, ông đưa ra con số 7,7 gigawatt đã được nhắc đến bên trên.

“Với mạng lưới Bitcoin xử lý khoảng 200.000 giao dịch một ngày, điều này nghĩa là trung bình mỗi giao dịch ngốn 300 kWh, và có thể lên đến 900 kWh vào cuối năm 2018. Bitcoin có vấn đề lớn, và nó đang phát triển rất nhanh.”

Lý do mà Bitcoin cần một lượng điện khổng lồ là vì nó cần nhiều máy tính để xử lý các giao dịch trong chuỗi khối (blockchain). Công nghệ blockchain cần đến sức mạnh xử lý khổng lồ, và các “thợ mỏ” luôn luôn muốn là người “trúng thưởng” bằng cách thêm khối (block) kế tiếp vào trong blockchain – có càng nhiều máy tính, họ càng có cơ hội trở thành người trúng thưởng. Trong thời điểm hiện tại, có khoảng 1.800 bitcoin USD được tạo ra mỗi ngày, với giá trị khoảng 102.000 USD.

Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng bị chỉ trích là dựa trên một số bằng chứng không đủ sức thuyết phục, và không tính đến việc những tiến bộ của công nghệ và các quy định pháp luật có thể thay đổi tương lai của đồng tiền này. Thật ra, tương lai của cả Bitcoin lẫn những đồng tiền ảo khác đều đang khá bấp bênh và đầy bất ổn, bởi nhiều chính phủ, ngân hàng và công ty lớn trên khắp thế giới đang tìm cách ngăn cấm hoặc khống chế những đồng tiền ảo này.

Có thể bạn quan tâm

Theo Bộ TT- TT, quảng cáo trên môi trường mạng ngày càng khẳng định vị thế quan trọng với hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp. Do đó cần mở rộng hơn nữa danh sách trắng để doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến.