Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ đạo giám sát chặt việc nhập khẩu, tái xuất linh kiện CNTT

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ đạo giám sát chặt việc nhập khẩu, tái xuất linh kiện CNTT
Tạp chí Nhịp sống số - Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ đạo Vụ CNTT phải giám sát tình hình chấp hành quy định về nhập khẩu, tái xuất các sản phẩm CNTT đã qua sử dụng để làm rõ tính hiệu quả, những bất cập trong chính sách quản lý, bảo đảm Việt Nam không trở thành bãi rác CNTT.

Điện thoại cũ thuộc danh mục cấm nhập khẩu vào Việt Nam.

Điện thoại cũ thuộc danh mục cấm nhập khẩu vào Việt Nam.

Tại buổi làm việc với Vụ CNTT vào sáng 26/5/2016, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chỉ đạo Vụ CNTT cần tổng hợp, đánh giá, giám sát chặt chẽ tình hình chấp hành quy định về nhập khẩu, tái xuất các sản phẩm CNTT đã qua sử dụng của doanh nghiệp để làm rõ tính hiệu quả, những bất cập trong chính sách quản lý hiện hành và có cơ sở hoàn thiện kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật.

“Nhất là thời gian gần đây các doanh nghiệp xin phép nhập khẩu rất nhiều thiết bị đã qua sử dụng vào Việt Nam để sửa chữa, số lượng lên tới hàng chục ngàn thiết bị. Việt Nam rất quan tâm và chú trọng tới vấn đề bảo vệ môi trường”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Việt Nam đang thu hút các Tập đoàn CNTT lớn đầu tư rất nhiều các dây chuyền sản xuất, sửa chữa thiết bị CNTT, việc quản lý hoạt động xuất, nhập khẩu các sản phẩm CNTT đã qua sử dụng đóng vai trò rất quan trọng, bảo đảm cho Việt Nam không bị trở thành nơi chứa rác thải về CNTT trong tương lai, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái chung của đất nước. Bộ trưởng cho hay, việc nhập các điện thoại di động đã qua sử dụng về Việt Nam để thay thế linh kiện, làm lại bo mạch mới thì các linh kiện, bo mạch cũ bị hỏng là rác thải CNTT cũng cần phải được tái xuất ra nước ngoài. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ quan tâm tới tái xuất chính chiếc điện thoại di động sau khi được sửa chữa, mà chưa giám sát chặt việc tái xuất các linh kiện cũ bị hỏng. Một số thiết bị in, máy photo của ngành xuất bản cũng nhập sản phẩm cũ về khá nhiều.

“Nếu không giám sát chặt chẽ, Việt Nam sẽ trở thành bãi rác công nghiệp”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.

Vào cuối tháng 10/2015, Danh mục sản phẩm CNTT đã qua sử dụng cấm nhập khẩu được ban hành theo Thông tư 31/2015/TT-BTTTT của Bộ TT&TT hướng dẫn một số điều của Nghị định 187/2013/NĐ-CP đối với hoạt động xuất, nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng.

Theo hướng dẫn của Bộ TT&TT, từ ngày 15/12/2015 cấm nhập khẩu các sản phẩm CNTT đã qua sử dụng như: Máy tính xách tay, kể cả notebook, tablet PC; điện thoại di động hoặc điện thoại dùng cho mạng không dây khác; loa thùng; tai nghe có khung choàng đầu; bộ micro/loa kết hợp; camera truyền hình, camera kỹ thuật số khác; radio cát sét loại bỏ túi; ổ đĩa mềm, ổ đĩa quang, kể cả ổ CD-ROM, ổ DVD và ổ CD có thể ghi được (CD-R); màn hình LCD, LED và kiểu màn hình dẹt khác… bị cấm nhập khẩu.

Vào đầu tháng 5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định quy định các trường hợp cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm CNTT đã qua sử dụng cấm nhập khẩu.

Theo Quyết định này, 6 trường hợp cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm CNTT đã qua sử dụng cấm nhập khẩu gồm: Nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng theo hình thức di chuyển phương tiện sản xuất trong cùng một tổ chức; Nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng để làm thiết bị điều khiển, vận hành, khai thác, kiểm tra hoạt động của một phần hoặc toàn bộ hệ thống, dây chuyền sản xuất; Nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng để phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm, gia công quy trình kinh doanh bằng CNTT, xử lý dữ liệu cho đối tác nước ngoài; Nhập khẩu sản phẩm CNTT chuyên dùng đã qua sử dụng; Tái nhập khẩu sản phẩm CNTT đã hết thời hạn bảo hành sau khi đưa ra nước ngoài để sửa chữa; Nhập khẩu sản phẩm, linh kiện đã được tân trang, làm mới để thay thế, sửa chữa cho người sử dụng trong nước mà sản phẩm, linh kiện đó hiện nay không còn được sản xuất.

Quyết định quy định rõ điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với các trường hợp cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm CNTT đã qua sử dụng cấm nhập khẩu.

Cụ thể, sản phẩm CNTT đã qua sử dụng nhập khẩu theo hình thức di chuyển phương tiện sản xuất trong cùng một tổ chức phải là tài sản của tổ chức ở nước ngoài có mối quan hệ với người nhập khẩu thông qua sở hữu cổ phần, phần góp vốn hoặc liên kết khác; đồng thời, sản phẩm nhập khẩu chỉ phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất của người nhập khẩu.

Sản phẩm CNTT đã qua sử dụng nhập khẩu để làm thiết bị điều khiển, vận hành, khai thác, kiểm tra hoạt động của một phần hoặc toàn bộ hệ thống, dây chuyền sản xuất phải là bộ phận cấu thành của hệ thống, dây chuyền sản xuất và chỉ phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất của người nhập khẩu.

Sản phẩm CNTT đã qua sử dụng để phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm, gia công quy trình kinh doanh bằng CNTT, xử lý dữ liệu cho đối tác nước ngoài phải tái xuất sau khi kết thúc hợp đồng sản xuất sản phẩm phần mềm, gia công quy trình kinh doanh bằng công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu cho đối tác nước ngoài.

Sản phẩm CNTT chuyên dùng đã qua sử dụng nhập khẩu phải có hiệu quả sử dụng thực tế cho quá trình sản xuất, đã có thời hạn sử dụng không quá 3 năm kể từ ngày sản xuất đến ngày mở tờ khai nhập khẩu.

Còn trường hợp tái nhập khẩu sản phẩm CNTT đã hết hạn bảo hành sau khi đưa ra nước ngoài để sửa chữa thì sản phẩm CNTT tái nhập khẩu phải bảo đảm là chính sản phẩm đã xuất khẩu trước đó.

Có thể bạn quan tâm

Xiaomi chính thức ra mắt chuỗi sự kiện Xiaomi Fan Festival 2024, nhân dịp dòng sản phẩm Redmi Note 13 đạt nhiều thành tích ấn tượng tại thị trường Việt Nam với các hoạt động giảm giá sản phẩm độc quyền.