Facebook, YouTube, Twitter và Microsoft - 4 trong số các hãng công nghệ lớn nhất nước Mỹ - cam kết đánh giá hầu hết báo cáo về phát ngôn thù địch bất hợp pháp trên nền tảng của họ trong vòng 24 giờ và gỡ bỏ hoặc chặn truy cập nội dung nếu các khiếu nại là chính xác. Điều khoản sử dụng dịch vụ và hướng dẫn cộng đồng phải nêu rõ hành vi kích động bạo lực bị cấm.
Dựa trên luật năm 2008, bộ quy tắc ứng xử miêu tả các nội dung bất hợp pháp là “tất cả hành vi công kích kích động bạo lực hoặc hận thù chống lại một nhóm người hay một thành viên của nhóm người được xác định thông qua chủng tộc, màu da, tôn giáo, gốc gác, quốc tịch hay dân tộc”.
Theo tuyên bố, các công ty nhận ra phát ngôn thù địch gây ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đến cá nhân mà còn với cả “những ai đang lên tiếng vì tự do, sự khoan dung, chống phân biệt đối xử trong xã hội cởi mở và tác động xấu đến tính dân chủ trên nền tảng trực tuyến”.
Phụ trách chính sách công châu Âu của Twitter - Karen White, cho rằng có sự phân biệt rõ ràng giữa tự do ngôn luận và công kích kích động bạo lực, thù hận. Giám đốc chính sách công Google Lie Junius khẳng định Google, công ty sở hữu YouTube, luôn cấm phát ngôn thù địch trên nền tảng của mình và đã có hệ thống kiểm duyệt hiệu quả. Facebook cũng cho biết các nhóm khắp thế giới luôn luôn đánh giá các báo cáo và hành động kịp thời.
Trong 4 công ty nói trên, Facebook từng chịu chỉ trích gay gắt tại Đức vì cách xử lý các vấn đề liên quan đến phát ngôn thù địch. Công tố viên nước này từng mở cuộc điều tra vào các lãnh đạo cao cấp của Facebook nhưng hiện tại đã khép lại vụ việc. Mạng xã hội đồng ý hợp tác với chính phủ để xử lý vấn đề.
Theo tuyên bố của Ủy ban châu Âu, các công ty cần cung cấp thông tin về quy trình thông báo nhằm giúp các nước châu Âu và nhà hành pháp hiểu được cách thức hoạt động của hệ thống và tận dụng tốt nhất có thể. Họ cũng phải đào tạo nhân viên về sự phát triển xã hội hiện nay và trao đổi quan điểm để cải thiện hơn nữa.