Thực tế là mặc dù có hệ thống pháp lý về sở hữu trí tuệ và bản quyền tác giả, nhưng khả năng thực thi, bảo hộ bản quyền tác giả trong lĩnh vực báo chí hầu như là không thể. Luật Sở hữu trí tuệ là quá rộng và các cơ quan báo chí hiện tại chỉ có thể dựa vào ... ý thức tự giác là chính
Mặt khác, với một tờ báo điện tử cỡ trung bình thì một ngày xuất bản khoảng 300 tin, bài. Vậy quỹ thời gian để tiền kiểm, hậu kiểm rồi xử lý khiếu nại... là việc vô cùng khó khăn”- ĐB Thường nói.
Từ đó, đại biểu Thường lý giải vì sao tình trạng đạo tác phẩm báo chí, vi phạm bản quyền diễn ra thường xuyên, liên tục và không có hướng giải quyết. Các trang tin điện tử tổng hợp là các đơn vị xâm phạm bản quyền nhiều nhất, nhưng một số các cơ quan báo chí cũng chạy theo trào lưu này làm “hiện tượng” lại trở thành “phổ biến”.
Một nguyên nhân khác, theo đại biểu Thường, là sự tồn tại phi lý của các trang tin điện tử tổng hợp (một loại hình truyền thông dị dạng) với điều kiện để được cấp phép là “được phép sao chép lại ít nhất 5 cơ quan báo chí”. Mà các trang điện tử này, do luật không cho phép tự làm nội dung, nên họ sẽ nghiễm nhiên xào lại, cóp nhặt bài vở của các trang báo chí khác, chứ họ không thể tồn tại chỉ với nội dung từ 5 tờ báo.
“Vì số lượng loại website này quá nhiều, nên khả năng ngăn chặn là rất khó. Thực tế là loại trang tin này đã ‘ký sinh trên cơ thể báo chí’ để gặt hái những gì ngọt, ngon nhất cho mình trong khi họ không phải mất chút nào mồ hôi, công sức, tiền bạc”- Đại biểu Thường bức xúc.
Ông Thường cung cấp thêm, theo thống kê, hiện cả nước có hơn 1600 trang tin điện tử tổng hợp, gấp hàng chục lần số các cơ quan báo chí điện tử và gấp đôi số cơ quan báo chí nói chung. Vậy là có tình trạng “người làm thật thì ăn giả”, kẻ làm giả thì ăn thật. Trên thực tế với tốc độ cóp nhặt siêu tốc việc kiểm soát nội dung trên các trang tin này hết sức khó khăn, thế mới có chuyện sáng “đưa”, trưa “rút”... Báo chí đã yếu lại bị các loại tầm gửi hút hết dưỡng chất.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường đề nghị, dự thảo Luật lần này nên tính đến việc xóa bỏ khái niệm “ trang tin điện tử tổng hợp” và nhóm chúng về loại hình Website đơn thuần. Chỉ các cơ quan báo chí mới được quyền xuất bản các website có tính chất báo chí.