Cần gỡ các rào cản để thúc đẩy sáng tạo nội dung số lành mạnh, đúng hướng

Tạp chí Nhịp sống số - Cần áp dụng phương pháp giám sát “hậu kiểm”, gỡ các rào cản về chính sách đảm bảo tránh “thuế chồng thuế”, ưu đãi về đầu tư, hỗ trợ đào tạo nhân lực… Đó là những đề xuất được đưa ra nhằm thúc đẩy sáng tạo nội dung số tại Việt Nam

Những nội dung trên được đưa ra tại Hội nghị Khai thác thị trường quốc tế và Chính sách thuế đối với lĩnh vực sáng tạo nội dung số, diễn ra ngày 31/3 vừa qua tại Hà Nội. Sự kiện do Liên minh Sáng tạo Nội dung số - DCCA (thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam) phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức.

Theo đại diện Ban tổ chức, Hội nghị là diễn đàn mở, kết nối các nhà sáng tạo nội dung, các chuyên gia về thuế, cơ quan quản lý thuế, cơ quan truyền thông để có góc nhìn tổng quan, phân tích các khía cạnh liên quan đến thuế trong lĩnh vực sáng tạo nội dung số, kiếm tiền trên các nền tảng miễn phí (Make Money Online - MMO). Qua đó, góp phần tạo điều kiện cho những người làm MMO hiểu rõ ràng, minh bạch về thuế và đảm bảo tuân thủ pháp luật Việt Nam và Hiệp định về chống đánh thuế 2 lần mà Việt Nam đã ký với 72 nước.

Cần gỡ các rào cản để thúc đẩy sáng tạo nội dung số lành mạnh

 

Hội nghị cũng giới thiệu các cơ hội về đầu tư quốc tế và chính sách hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông cho các doanh nghiệp nội dung số đi ra nước ngoài.

Sáng tạo nội dung số - thị trường giàu tiềm năng

Theo các chuyên gia, các ngành nghề kinh doanh nội dung số, kiếm tiền nhanh trên các nền tảng xuyên biên giới có "địa hạt" khá đa dạng. Trong đó, có kể đến thể việc sản xuất nội dung và kiếm tiền trên các nền tảng mạng xã hội (YouTube, Facebook, TikTok...) và nhiều nền tảng xuyên biên giới khác; Kinh doanh trên các nền tảng âm nhạc trực tuyến (Spotify, Apple Music, Amazon Music... và khoảng 52 nền tảng nhạc số khác); Bán hình ảnh, tranh, bản vẽ thiết kế, hình ảnh - video 2D - 3D, giáo dục trực tuyến… trên các nền tảng trực tuyến toàn cầu...

YouTube là một trong những nền tảng sáng tạo nội dung có lượng người tham gia MMO hàng đầu thế giới hiện nay. Chỉ riêng trong năm 2022 đã có hơn 51 triệu kênh YouTube được tạo mới tương đương với mức tăng trưởng 36%.

Trong đó, 306.000 kênh YouTube đạt hơn 100.000 người đăng ký, 29.000 kênh có hơn 1 triệu người đăng ký và 700 kênh có hơn 10 triệu người đăng ký. Số lượng tài khoản khổng lồ này cũng đem về cho YouTube hơn 1 tỷ giờ nội dung video được xem mỗi ngày.

Đặc biệt, trong số này không thể không nhắc đến lĩnh vực Game online, được phát hành trên Apple Store và CH Play cũng như các nền tảng số của các quốc gia khác.

Các hình thức kinh doanh nội dung số phổ biến này thu hút một lượng lớn người dùng và là một lĩnh vực quan trọng của kinh tế số.

Trên thế giới, sáng tạo nội dung ngày càng thu hút một lực lượng lao động trình độ cao tham gia và tạo ra một lượng doanh thu lên đến hàng chục tỷ USD mỗi năm. Còn ở Việt Nam, ước tính cũng có lực lượng hàng triệu lao động tham gia vào lĩnh vực này, hàng năm mang về một lượng lớn ngoại tệ cho đất nước. Chỉ tính riêng trên YouTube, số liệu trong năm 2022 cho biết số người Việt Nam kiếm tiền từ các nền tảng mạng xã hội lên tới 20.000 người và mang về một khoản doanh thu ngoại tệ tương đương khoảng 1.500 tỷ đồng. Việt Nam hiện có gần 500 kênh YouTube đạt nút vàng (hơn 1 triệu người đăng ký và 8 kênh đạt nút kim cương (trên 10 triệu lượt đăng ký).

Làm sao để nội dung số trở thành "ngành công nghiệp tỉ đô"?

Tại Hội nghị, nhiều diễn giả đã đóng góp những tham luận, ý kiến để cùng đưa ra bức chân dung tổng thể của lĩnh vực sáng tạo nội dung số tại Việt Nam. 

Trong đó, ông Nguyễn Việt Tiệp - chuyên viên cao cấp về kế toán thuế (đại diện cho DCCA) trình bày các loại thuế đang được áp dụng đối với đối với các cá nhân, tổ chức tham gia sáng tạo nội dung và kiếm tiền trên nền tảng quốc tế. DCCA đề xuất kiến nghị Nhà nước xem xét để hỗ trợ, thúc đẩy ngành công nghiệp nội dung số với các chính sách ưu đãi về: Thuế, ưu đãi về đầu tư, hỗ trợ đào tạo nhân lực… tương tự như ưu đãi đối với thuộc lĩnh vực phần mềm và công nghệ cao. 

Từ góc độ phân tích chính sách, ông Vũ Kiêm Văn – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA) - đã phân tích về tiềm năng và rào cản phát triển đối với ngành sáng tạo nội dung số Việt Nam.

Theo đó, nội dung số nằm trong nhóm ngành ICT, đã được Chính phủ quan tâm thúc đẩy từ năm 2007. Với những lợi thế như: lực lượng lao động trẻ dồi dào, giàu tính sáng tạo, hạ tầng viễn thông internet phát triển, người dùng cởi mở trong việc tiếp nhận các nền tảng số nước ngoài…, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển công nghiệp nội dung số trở thành “ngành công nghiệp tỉ đô”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy đang có không ít rào cản khiến tiềm năng này chưa được khai thác hết cũng như làm “chậm bước” các nhà sáng tạo nội dung số tại Việt Nam. Trong đó, theo ông Vũ Kiêm Văn, điển hình là 3 rào cản lớn: về chính sách thuế, về cơ chế, về bản quyền và sở hữu trí tuệ.

“Ý tưởng sáng tạo của chúng ta chưa thật sự đột phá, mà còn giản đơn, vẫn thường sao chép và copy ý tưởng, nhất là hoạt động sáng tạo ngày càng bị cạnh tranh bởi AI. Sức bền của doanh nghiệp nội dung số Việt Nam chưa cao, hầu hết chỉ nổi lên trong thời gian ngắn” – ông Vũ Kiêm Văn nhận định.

Từ những phân tích đó, đại diện VDCA cho rằng, nếu doanh nghiệp nội dung số được tháo gỡ những rào cản về thể chế và có thêm những nguồn lực thúc đẩy từ nhà nước như về đào tạo nhân lực, hỗ trợ thúc đẩy thị trường, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, thì tiềm năng phát triển của nội dung số Việt Nam là rất lớn.

Đặc biệt, Tổng Thư ký VDCA cũng đề cập đến hiện tượng nhiều doanh nghiệp sản xuất nội dung Việt Nam có xu hướng ưu tiên phân phối nội dung trên các nền tảng nước ngoài, mà hạn chế cung cấp trên các nền tảng Việt Nam do vấn đề về khó xin giấy phép. Để “hóa giải” vấn đề này, ông Văn đề xuất cơ quan quản lý nên áp dụng phương pháp giám sát “hậu kiểm” thay cho phương pháp tiền kiểm bằng hành lang, bằng giấy phép… làm hạn chế cơ hội của doanh nghiệp trên thị trường như hiện nay.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng giới thiệu đến các doanh nghiệp nhiều chương trình đầu tư nước ngoài hấp dẫn, là cầu nối quý giá đưa những sản phẩm nội dung "Make in Vietnam" vươn ra thị trường quốc tế nhiều hơn nữa.

Có thể bạn quan tâm