Kính thực tế ảo Gear của Samsung và Oculus Rift được khuyến cáo dành cho trẻ trên 13 tuổi, trong khi sản phẩm PlayStation VR của Sony cũng được khuyến cáo là cho trẻ từ 12 tuổi trở lên.
Vive của HTC không thiết kế cho trẻ em, và HTC nói trẻ nhỏ không nên được phép sử dụng kính thực tế ảo. Goolge thì nói sản phẩm Cardboard công nghệ tương đối thấp của hãng chỉ nên cho trẻ em dùng với sự giám sát của người lớn.
Theo trang web khoa học Live Science, các công ty đều đưa ra rất ít lời giải thích đối với việc khuyến cáo độ tuổi này.
Theo Marientina Gotsis, giám đốc Trung tâm Sức khỏa Hành vi và Truyền thông sáng tạo thuộc trường University of Southern California School of Cinematic Arts, vẫn chưa có nhiều giải thích khoa học về vấn đề này. "Chúng tôi chưa có đủ dữ liệu về tính an toàn của công nghệ VR hiện nay đối với trẻ em", bà nói. "Chính vì sự khan hiếm dữ liệu nghiên cứu, cộng với những gì chúng tôi biết về bộ não, tôi không cảm thấy thoải mái về những khuyến cáo khi sử dụng kính VR".
Năm 2014, nghiên cứu về loài chuột, các nhà nghiên cứu của trường Đại học California phát hiện ra rằng các tế bào thần kinh trong vùng não liên quan đến học tập về không gian cư xử hoàn toàn khác nhau trong các môi trường ảo so với môi trường thực, hơn một nửa số tế bào thần kinh đóng lại trong khi sử dụng VR. Điều này vẫn chưa rõ ràng đối với con người, nhưng theo các nhà khoa học, nó cho thấy sự cần thiết phải nghiên cứu nhiều hơn về những ảnh hưởng lâu dài của VR.
Gotsis nói VR có thể có tác động lớn hơn với bộ não đang phát triển của trẻ em. Trung tâm của bà sử dụng công nghệ giải trí, bao gồm cả VR, để nghiên cứu sức khỏe tâm thần và hành vi.
"Bộ não trẻ rất dễ biến đổi, việc tiếp xúc kéo dài với các thiết bị không phù hợp có thể gây nguy hại", bà nói. "Trẻ em cũng có thể không biết cách làm thế nào để tránh mỏi mắt và có thể thiếu phản xạ loại bỏ thiết bị khi chúng gây khó chịu".
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa VR không an toàn với trẻ và hoàn toàn không nên sử dụng, bà nói, và thêm rằng tính an toàn của công nghệ VR khác nhau theo từng thiết bị, từng loại nội dung và thời gian sử dụng, cũng như từng cá nhân trẻ em.
Một trong những lo ngại lớn nhất là tác động của VR với mắt trẻ. Các bậc cha mẹ từ lâu vẫn nói với trẻ rằng nhìn chằm chằm vào màn hình sẽ khiến mắt hỏng, nhưng Viện nghiên cứu về Mắt của Mỹ nói rằng vẫn chưa có bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc lâu với màn hình có thể gây hư hỏng mắt lâu dài.
Nhưng một vấn đề khác với VR là sự xung đột. Cụ thể, khi bạn nhìn thế giới một cách bình thường, đầu tiên mắt của bạn sẽ dùng nhãn cầu mắt và sau đó tập trung vào thấu kính trên một đối tượng, cuối cùng hai quá trình này được kết hợp để tạo ra một bức tranh cụ thể.
Trong khi đó, kính VR hiện đại lại tạo ảo giác về chiều sâu bằng cách hiển thị cho mỗi mắt một hình ảnh hơi khác nhau trên một màn hình phẳng. Điều này có nghĩa là dù vật thể ở xa bao nhiêu, đôi mắt vẫn tập trung vào một điểm cố định, nhưng chúng lại hội tụ vào một cái gì đó trong khoảng cách ảo.
"Một số nhà khoa học tin rằng đây là lý do một số người có triệu chứng khó chịu khi xem hình ảnh, phím 3D", Peter Howarth, một chuyên viên đo mắt và là giảng viên hình ảnh cao cấp tại Đại học Loughborough ở Anh cho biết.
Tuy vậy, Howarth nói rằng có những bằng chứng thuyết phục cho thấy chỉ những ai có sự di chuyển mắt kém mới trải qua những cảm giác đau đầu, mỏi mắt đó. Với trẻ em, những triệu chứng đó là dấu hiệu tốt cho thấy trẻ cần kiểm tra mắt, vì thế kính thực tế ảo cũng có thể giúp phát hiện vấn đề.
Howarth cũng nói các nghiên cứu về VR vẫn còn rất ít. Còn Michael Madary, một trợ lý nghiên cứu tại Đại học Mainz ở Đức, nói tình trạng hiếm các dữ liệu nghiên cứu về tác động của VR với trẻ em vẫn chưa thể cải thiện.
"Vì các lý do về đạo đức, rất khó để sử dụng trẻ em làm đối tượng nghiên cứu", ông nói. "Trẻ em, ở độ tuổi nhỏ, còn khó khăn trong phân biệt thực tế với tưởng tượng. Khi trẻ sử dụng công nghệ VR, khả năng khó phân biệt thực-ảo càng lớn hơn".
Chẳng hạn, một nội dung chấn động trong rạp chiếu phim có thể gây tác động lớn khi nhìn qua kính VR. "Trong VR, bạn sống trong một môi trường được thiết kế nhằm lôi kéo bạn, dù đó là vì mục đích quảng cáo, chính trị hay tôn giáo", ông nói. "Nếu một đứa trẻ dành quá nhiều thời gian cho môi trường VR, tức là chúng sử dụng kính VR quá nhiều, chúng có thể bị tác động và ảnh hưởng đến suy nghĩ khi chúng lớn lên".
Mặc dù công nghệ VR đang có rất nhiều tiềm năng, trong đó có ứng dụng trong giáo dục và trị liệu, Madary nói các nhà sản xuất cần phối hợp với nhà khoa học để điều tra về ứng dụng lâu dài của công nghệ này. Cho đến lúc đó, ông khuyến cáo chúng ta nên thận trọng.