Cảnh báo về chiến dịch mạo danh 27 ngân hàng, tổ chức tài chính để lừa đảo đánh cắp tài khoản

Tạp chí Nhịp sống số - Công ty an ninh mạng Group-IB có trụ sở tại Singapore vừa phát đi thông tin cảnh báo về chiến dịch của những kẻ lừa đảo với một hạ tầng được chuẩn bị "chu đáo" nhằm thu thập thông tin cá nhân, đánh cắp tài khoản ngân hàng của người dùng,

Hệ thống bạch tuộc "chặt vòi này mọc vòi khác"

Chiến dịch nói trên được khởi động vào tháng 5/2019, với việc đăng ký tên miền đầu tiên. Tên miền lừa đảo mới nhất đã được kích hoạt vào ngày 1/6/2022. Nhờ công cụ Phân tích Đồ thị mạng của Group-IB, Đội Ứng cứu máy tính khẩn cấp của Group-IB (CERT-GIB) đã có thể xác định 240 tên miền được kết nối với nhau như hình ảnh dưới đây 

Cơ sở hạ tầng của những kẻ lừa đảo. Nguồn: Hệ thống phân tích mối đe dọa của Group-IB

Khi phát hiện có hoạt động bất thường, CERT-GIB đã thông báo ngay cho Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT). Tất cả 240 tên miền đã bị chặn sau nỗ lực của CERT-GIB và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, các tên miền mới vẫn thường xuyên được bổ sung. Theo CERT-GIB, nguyên nhân nằm ở chính thiết kế của hạ tầng: các tên miền chỉ hoạt động trong thời gian ngắn, khiến việc phát hiện và gỡ bỏ chúng trở nên phức tạp. Cũng vì lý do này, số lượng tên miền thực tế có thể cao hơn rất nhiều.

CERT-GIB đã thống kê số lượng người dùng truy cập vào 44 trong số 240 trang web được ghi nhận, nơi các bộ đếm đã được cài đặt. Chỉ tính từ đầu năm 2021, đã có ít nhất 7.800 người dùng có nguy cơ trở thành nạn nhân khi truy cập vào 44 trang web giả mạo này. Mặc dù số lượng người dùng truy cập vào các website giả mạo và bị tấn công không được ghi nhận chính xác, dự đoán con số này là không hề nhỏ, cân nhắc quy mô và thời gian diễn ra các hành vi gian lận, cũng như mức độ tinh vi của các phương thức được tội phạm mạng áp dụng.

Được biết, chiến dịch này nhắm đến các tổ chức tài chính lớn của Việt Nam. Với mỗi trang web lừa đảo, tin tặc đã triển khai một kế hoạch đánh cắp mã OTP cùng các chiến thuật truyền thông có mức độ tùy biến cao, nhắm trúng đích.

Kịch bản quen thuộc, kỹ thuật lừa đảo tinh vi

Kịch bản thường sẽ diễn ra như sau: Tội phạm mạng sử dụng tin nhắn SMS, Telegram và WhatsApp giả mạo - thậm chí cả bình luận trên các trang Facebook của các công ty dịch vụ tài chính hợp pháp của Việt Nam - để lôi kéo nạn nhân vào các trang lừa đảo. Các tin nhắn này được ngụy trang giống như các thông tin chính thức đến từ các ngân hàng, sàn giao dịch hoặc công ty thương mại điện tử. Một trong những tin nhắn SMS lừa đảo được CERT-GIB truy xuất có nội dung thông báo cho nạn nhân rằng họ đã được tặng quà và cần đăng nhập vào trang của ngân hàng để nhận quà, đồng thời cho biết cơ hội này sẽ sớm hết hạn. Một trong những chiến thuật của những kẻ điều hành chiến dịch là sử dụng các URL rút gọn khiến người dùng bình thường không thể phân biệt được tính hợp pháp của URL. 

Khi nhấp vào các liên kết đó, nạn nhân sẽ được chuyển tiếp đến một trang web giả mạo có logo của 27 ngân hàng và tổ chức tài chính uy tín, dưới dạng một trang độc lập hoặc dưới dạng tùy chọn thả xuống, theo đó nạn nhân có thể chọn ngân hàng mà họ đã đăng ký.

Giao diện một trang web giả mạo 

Khi nạn nhân chọn một ngân hàng từ danh sách, họ sẽ được chuyển hướng đến một trang lừa đảo khác, trông giống như trang hợp pháp của ngân hàng. Sau khi nạn nhân nhập tên người dùng và mật khẩu, họ sẽ được đưa đến trang web giả mạo tiếp theo yêu cầu cung cấp Mật khẩu dùng một lần (OTP).

Ngay lúc này, những kẻ lừa đảo đã sử dụng thông tin đăng nhập vừa đánh cắp được để đăng nhập vào tài khoản thực của nạn nhân. Và bước cuối cùng, khi nạn nhân nhập mã OTP vào trang xác thực giả mạo, chúng có thể toàn quyền truy cập vào tài khoản ngân hàng của họ. Cùng đó, chúng cũng có thể bắt đầu các giao dịch bất hợp pháp.

Sau khi nạn nhân “đăng nhập” vào trang web giả mạo, họ sẽ nhận được một thông báo cho biết “giao dịch vẫn đang được xử lý”.

Phương pháp trùng lặp này cho phép những tên tội phạm mạng đánh cắp tiền từ tài khoản của nạn nhân và thu thập một lượng lớn dữ liệu cá nhân (như tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, số điện thoại, ngày sinh và nghề nghiệp). Những thông tin này sẽ được mua đi bán lại trong cộng đồng tội phạm mạng hoặc được bán cho những kẻ xấu, phục vụ các cuộc tấn công tiếp theo nhắm vào nạn nhân. 

Trên các thị trường ngầm, Group-IB phát hiện những lời chào bán thông tin của công dân Việt Nam được thu thập từ các chiến dịch lừa đảo. Mặc dù vẫn chưa biết liệu thông tin có xác thực và được lấy trực tiếp từ chiến dịch lừa đảo này hay không, các nhà phân tích của CERT-GIB cũng đã bắt gặp các trường hợp rao bán trực tiếp dữ liệu về chủ tài khoản ngân hàng ở Việt Nam.

Người dùng cần hết sức cảnh giác với những thông tin đến từ các tổ chức tài chính có nội dung mang tính hối thúc hoặc đe dọa. Điều quan trọng là cần chú ý đến tên miền của URL trong trình duyệt và cảnh giác với các trang web khả nghi, hoặc liên tục điều hướng. Đồng thời, không nên mua hàng từ những đại lý trái phép hoặc nhấp vào các liên kết đưa ra mức chiết khấu hấp dẫn, bởi đó có thể là dấu hiệu lừa đảo. Bật xác thực hai yếu tố bất cứ khi nào có thể và thường xuyên thay đổi mật khẩu cũng là những thói quen tốt.

 

Có thể bạn quan tâm