"Cày game" blockchain - nghề mới của giới trẻ

Tạp chí Nhịp sống số - Chơi game, sáng tạo nghệ thuật hay chia sẻ thông tin trên các mạng xã hội phi tập trung đang trở thành nghề nghiệp mới của giới trẻ.

Nghỉ việc từ tháng 7 khi dịch bệnh bùng phát, Huy Tuấn (25 tuổi, TP HCM) chơi game Axie Infinity như một công việc toàn thời gian. "Ban đầu tôi đi 'cày thuê' cho một số nhóm, thu nhập tầm 10 triệu đồng mỗi tháng. Sau khi có vốn và kinh nghiệm, tôi tách ra, tự lập đội hình của mình", Tuấn nói.

Anh là một trong hàng triệu người trên thế giới đang tìm cách vượt qua thách thức của đại dịch bằng cách chơi game kiếm tiền (Play to Earn).

Theo Financial Times, Covid-19 đã đẩy nhiều người vào tình trạng thất nghiệp kéo dài. Không ít người ở Philippines và các quốc gia khác tìm đến Axie Infinity như một công việc nghiêm túc. "Tôi vẫn sẽ gắn bó với game blockchain này ngay cả khi tìm được việc mới", Vincent Gallarte , sống tại Philippines, nói với Financial Times.

Sau Axie Infinity, hàng loạt game blockchain khác trên thế giới xuất hiện và thu hút người dùng.

Một số người chọn cách chơi game blockchain để kiếm tiền trong đại dịch. Ảnh: PlatoaistreamMột số người chọn cách chơi game blockchain để kiếm tiền trong đại dịch. Ảnh: Platoaistream

Giáo sư kinh tế Stephen McKeon của Đại học Oregon nhận định trên Medium: "Các nền kinh tế xoay quanh blockchain bắt đầu định hình tương lai công việc của nhân loại. Bằng cách kết hợp việc học, chơi, tương tác, sáng tạo với quyền sở hữu và tạo ra thu nhập, blockchain nói chung và thị trường tiền điện tử nói riêng đang hình thành nên nhiều thứ vượt xa khái niệm công việc truyền thống".

Ngoài chơi để kiếm tiền, blockchain còn định hình mô hình Learn to Earn & Participate to Earn (học và chia sẻ để kiếm tiền). Thay vì sử dụng các mạng xã hội như Facebook, TikTok, người dùng tìm đến mạng xã hội phi tập trung để sáng tạo nội dung và nhận về phần thưởng là token. Ngày càng nhiều người trẻ xem đây như một công việc lâu dài vì có thể chủ động thời gian, không phụ thuộc vào công ty mà vẫn có thu nhập ổn định.

Một công việc khác đòi hỏi nhiều sáng tạo hơn là "Create to Earn" (sáng tạo để kiếm tiền). Người dùng có thể tạo ra các tác phẩm nghệ thuật NFT và playlist nhạc thông qua các công ty như Audius và bán trên các sàn đấu giá nghệ thuật trong và ngoài nước. Tháng 7, nghệ sĩ trẻ Xèo Chu của Việt Nam đấu giá thành công bức tranh "Hoa mai may mắn" gắn mã NFT với giá quy đổi gần 23.000 USD.

Lê Mạnh Cương, hoạ sĩ từng có nhiều năm làm việc cho các studio quốc tế như Marvel, Dota2, cho biết: "Blockchain đang tạo ra nhiều ngành nghề mới cho thế hệ trẻ. Một số người vừa có thể chơi game, vẽ tranh, sáng tạo và kiếm tiền cùng lúc. Nhiều game blockchain thậm chí cho người chơi tự do phóng tác, xây dựng nhân vật. Nếu nhân vật hay, được cộng đồng đón nhận, họ có thể bán và được nhận hoa hồng từ các giao dịch và bán đấu giá trong game".

Tuy nhiên, rủi ro với những người muốn kiếm tiền từ game blockchain là hầu hết các trò chơi này đều đòi hỏi chi phí ban đầu khá lớn để mua thú cưng, vật phẩm... Việc thu hồi vốn nhanh hay chậm không chỉ phụ thuộc vào kỹ năng của người chơi mà còn bị ảnh hưởng nhiều bởi thị trường tiền điện tử vốn tăng giảm thất thường.

Có thể bạn quan tâm

'Gã khổng lồ' Internet Trung Quốc Baidu cho biết chatbot AI của hãng, Ernie Bot đã có hơn 200 triệu người dùng. Trong khi đó, Alibaba mở thêm truy cập phiên bản LLM 7 tỷ tham số cho nhà phát triển bên thứ ba.