Theo Tech Unwrapped, ông Buccheit cho biết ChatGPT sẽ giết chết công cụ Google Search, vốn là sản phẩm sinh lợi nhất của công ty. Hơn nữa, ông tin rằng ngay cả khi Google bắt kịp trí tuệ nhân tạo (AI) theo cách nào đó, họ không thể triển khai nó một cách đầy đủ mà không phá hủy những phần giá trị nhất trong doanh nghiệp của mình.
ChatGPT là chatbot thịnh hành kể từ khi ra mắt vào tháng 11 năm ngoái. Về cơ bản, đây là một chatbot nguyên mẫu sử dụng AI để hiểu và sau đó trả lời văn bản. Tuy nhiên, điều thú vị thực sự là nó được thiết kế cho cuộc trò chuyện tự nhiên, một phần từ lâu được coi là sở trường của Google. Điều đó đã lôi kéo Microsoft đầu tư mạnh vào OpenAI - công ty đứng đằng sau ChatGPT.
Mức độ phổ biến to lớn mà chatbot này đạt được trong thời gian qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tại Google khi CEO Sundar Pichai vừa ban hành "mã đỏ" cho các nhóm phát triển để tăng tốc các dự án AI của công ty. Tờ New York Times gần đây báo cáo rằng Google có kế hoạch giới thiệu các tính năng chatbot cho công cụ tìm kiếm của hãng trong năm nay, đồng thời phát triển hơn 20 sản phẩm AI để chống lại ChatGPT. Thông tin chi tiết dự kiến sẽ được tiết lộ trong Hội nghị nhà phát triển I/O 2023 sắp tới của Google.
Nhận xét về ChatGPT, Paul Buccheit cho rằng đó thực sự là vấn đề nghiêm trọng. Ông nói: "Google có thể bị gián đoạn hoàn toàn trong một hoặc hai năm nữa. AI sẽ khiến công cụ tìm kiếm của Google biến mất. Đây là nơi mà Google kiếm phần lớn doanh thu. Ngay cả khi Google bắt kịp AI, họ cũng không thể triển khai nó một cách đầy đủ mà không phá hủy phần giá trị nhất trong hoạt động kinh doanh của họ".
Mọi thứ vẫn còn ở phía trước. ChatGPT hiện được cung cấp miễn phí, mặc dù phiên bản trả phí (Pro) đã được triển khai nhưng OpenAI vẫn quan tâm đến việc giữ càng nhiều người dùng càng tốt vì mô hình xử lý ngôn ngữ tự nhiên này vẫn đang trong giai đoạn "học hỏi". Mỗi tương tác bổ sung sẽ giúp cải thiện mạng thần kinh mà nó hoạt động và hiện tại được cho là đã đạt mức 175 tỉ thông số. Ngay cả khi có nhiều sai sót, ChatGPT vẫn tiếp tục và sẽ ngày càng trở nên thông minh hơn khi sử dụng vì nó sử dụng phương pháp học sâu tăng cường với phản hồi của con người (RLHF).