Qua hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, toạ đàm "ChatGPT & Quản trị doanh nghiệp" đã thu hút gần 400 khách mời, với các diễn giả chính gồm: TS. Trần Thế Trung – Viện trưởng Viện nghiên cứu công nghệ FPT, Phó Giám đốc Trung tâm sản phẩm AI (FPT Smart Cloud); TS. Trần Quang Huy – Giảng viên Viện Quản trị & Công nghệ FSB (Đại học FPT).
Bản chất ChatGPT và những ứng dụng cơ bản
Xoay quanh câu chuyện "ChatGPT & Quản trị doanh nghiệp", các diễn giả đã chia sẻ những kiến thức tinh gọn, trọng tâm và hữu ích về thực tiễn ứng dụng ChatGPT nói riêng và AI nói chung nhằm đột phá hiệu suất cho doanh nghiệp.
Qua đó, người tham dự đã có được những hiểu biết sâu sắc về các chức năng cốt lõi của ChatGPT, cách thức vận dụng công cụ này nhằm hỗ trợ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong hoạt động điều hành quản lý.
Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển sản phẩm trong lĩnh vực AI, TS. Trần Thế Trung cho biết, ChatGPT gồm hai thành phần: "GPT" - một mô hình ngôn ngữ lớn, được xây dựng bởi các thuật toán xử lý ngôn ngữ tự nhiên, và "Chat" - nghĩa là biến đổi mô hình đó trở thành cuộc hội thoại giữa máy và con người.
Nhờ vào lượng dữ liệu khổng lồ 175 tỷ tham số và khả năng xử lí hàng tỷ từ chỉ trong 1 giây, hệ thống Chatbot siêu thông minh này có thể đưa ra câu trả lời dạng văn bản cho gần như bất cứ vấn đề thuộc mọi lĩnh vực theo yêu cầu của người dùng, với cách thức trình bày tự nhiên, mạch lạc như một cuộc hội thoại bình thường giống với con người.
Theo Microsoft và OpenAI, ChatGPT có 4 ứng dụng cơ bản:
(1) Tạo nội dung dạng văn bản
(2) Tổng hợp văn bản để rút ra thông tin cốt lõi
(3) Hỗ trợ viết ngôn ngữ lập trình
(4) Tìm kiếm thông tin theo ngữ nghĩa và bối cảnh mà người dùng đưa ra.
TS. Trung cho biết: "Điểm xuất sắc nhất của ChatGPT là đa nhiệm vụ, đa lĩnh vực, đa ngôn ngữ, bao gồm cả ngôn ngữ người và ngôn ngữ máy. Nó cũng nắm được ngữ cảnh dài, đưa ra những câu từ tự nhiên, gia tăng mức độ hài lòng cho người sử dụng".
Thêm vào đó, ChatGPT được huấn luyện bằng kỹ thuật máy học mang tên "học tăng cường từ phản hồi của người dùng", nghĩa là ngoài nguồn dữ liệu ban đầu, nó cũng có thể dung nạp kiến thức từ dữ liệu trong các cuộc trò chuyện với chính người dùng để trở nên "thông minh hơn".
Vậy ChatGPT hỗ trợ quản trị doanh nghiệp như thế nào?
TS.Trần Thế Trung chia sẻ, với những ứng dụng cơ bản nói trên, ChatGPT có thế mạnh nổi trội trong một số lĩnh vực về vận hành doanh nghiệp như: Marketing truyền thông, Chăm sóc khách hàng, Lập trình, Quản trị doanh nghiệp.
Theo đó, ChatGPT có thể gợi ý lập kế hoạch Marketing đối với một số sản phẩm dịch vụ cụ thể, sáng tạo nội dung với thời gian gần như tức thời, viết code hoặc giúp tìm lỗi trong code. Với những doanh nghiệp đã tích hợp tổng đài tự động, doanh nghiệp có thể trích rút từ văn bản lưu trữ các cuộc gọi thoại của tổng đài viên với khách hàng lấy thông tin quan trọng, góp phần gia tăng năng suất và chất lượng hoạt động chăm sóc khách hàng.
Đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, ChatGPT đã nâng cao nhận thức của các nhà lãnh đạo về việc ứng dụng công nghệ nói chung và AI nói riêng trong quản trị doanh nghiệp. Rất nhiều lãnh đạo đã được thúc đẩy để thử nghiệm công cụ này. Một cách cụ thể nhất, ChatGPT có thể hỗ trợ tổng hợp thông tin từ các bản báo cáo, các tài liệu quan trọng, tiết kiệm thời gian và giúp nhà điều hành ra quyết định nhanh hơn.
Tuy nhiên, cả hai diễn giả đều khẳng định, ChatGPT vẫn còn rất nhiều vấn đề mà các doanh nghiệp nên lưu tâm để có thể "tận dụng" công cụ này trong quá trình quản trị doanh nghiệp.
TS. Trần Thế Trung cho biết: "Do mô hình này không thể truy được nguồn gốc thông tin, không có quy tắc suy luận logic, dữ liệu cũng có tính "đông cứng" - tức là chỉ được cập nhật đến thời điểm nhà phát triển "dạy" cho máy, chẳng hạn dữ liệu cung cấp cho ChatGPT mới dừng ở thời điểm năm 2021 trở về trước - nên hoàn toàn có thể đưa ra thông tin sai lệch mà người dùng không biết được".
Đồng quan điểm với TS.Trung, TS.Trần Quang Huy khẳng định: "Nhược điểm của ChatGPT là khó kiểm soát tính chính xác, khó thực hiện những yêu cầu đòi hỏi logic."
Hiện tại, công cụ này cũng chưa hỗ trợ người dùng doanh nghiệp mà hướng nhiều đến cá nhân. Trong thời gian sắp tới, theo TS.Trung, OpenAI có thể sẽ cho ra mắt phiên bản ChatGPT dành cho doanh nghiệp, có năng lực tinh chỉnh mô hình, cho phép làm việc với nguồn dữ liệu nội bộ của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu về an toàn bảo mật thông tin, trang bị công cụ kiểm soát chất lượng. Tuy nhiên, rào cản lớn đối với hầu hết doanh nghiệp là vấn đề chi phí. Ông Trung cho biết, ChatGPT được đánh giá là tốc độ xử lý chậm và chi phí cao hơn nhiều so với các dịch vụ AI đã sẵn có hiện nay.
Tựu chung, theo các diễn giả, để phát huy tối đa hiệu quả của các giải pháp thông minh như ChatGPT, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần trang bị cả kiến thức và kỹ năng làm chủ công nghệ, biết cách đặt câu hỏi cho máy để đảm bảo kết quả trả về đúng như mong muốn.