Chuẩn bị đấu giá, cấp phép tần số triển khai thương mại hóa 5G

Tạp chí Nhịp sống số - Theo kế hoạch, các băng tần cho mạng 4G/5G sẽ đấu giá vào tháng 11/2023. Dự kiến cuối năm 2023 sẽ cấp tần số thương mại 5G, thương mại hóa 5G trong năm 2024...

Thông tin về kế hoạch đấu giá các băng tần và triển khai thương mại hóa 5G chiều ngày 6/9, Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết theo kế hoạch đã được Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt về việc đấu giá quyền sử dụng tần số đối với các băng tần cho 4G/5G, Cục Tần số cùng các đơn vị liên quan đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị theo quy định.

Theo đó đã triển khai công tác tổ chức xác định mức thu cơ sở đối với các băng tần 700/2600/3700 MHz; xây dựng yêu cầu triển khai mạng viễn thông đối với doanh nghiệp tham gia đấu giá các băng tần 700/2600/3700 MHz.

Cùng với đó, xây dựng phương án tổ chức đấu giá để chuẩn bị cho việc tổ chức đấu giá các băng tần cho mạng 4G/5G vào tháng 11/2023.

Chuẩn bị đấu giá, cấp phép tần số triển khai thương mại hóa 5G
Ảnh minh họa

Sau khi đấu giá các băng tần cho 4G/5G, các doanh nghiệp trúng đấu giá sẽ được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và giấy phép sử dụng băng tần để triển khai mạng 5G thương mại.

Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, việc thương mại hóa 5G sẽ được thực hiện theo nguyên tắc phát triển hạ tầng viễn thông đi trước một bước, là nền tảng từng bước phát triển các ứng dụng, dịch vụ 5G, nâng cao nhu cầu của thị trường, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số, phục vụ tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Việc thương mại hóa mạng 5G dựa trên cơ sở đấu giá và cấp phép băng tần triển khai 5G, cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G cho các doanh nghiệp. Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, lộ trình thương mại hóa 5G diện rộng chỉ được xác định khi đấu giá tần số 5G thành công.

Trước đó, Bộ đã cấp giấy phép thử nghiệm mạng và dịch vụ 5G cho 3 nhà mạng (Viettel, VNPT, MobiFone) tại 59 tỉnh thành phố trên cả nước. Hiện tại, các doanh nghiệp đã triển khai trên thực tế hơn 800 trạm ở các tỉnh được cấp phép với khoảng 2,8 triệu thuê bao đang sử dụng dịch vụ thử nghiệm.

Hiện nay, thiết bị đầu cuối hỗ trợ 5G đã rẻ hơn và trở nên phổ biến hơn so với 2-3 năm trước. Ngày 28/8/2023, Bộ đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện thương mại hóa 5G, trong đó đã giao nhiệm vụ với các mốc thời gian cụ thể cho các đơn vị để tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số, cấp giấy phép cho các doanh nghiệp trúng đấu giá vào cuối năm 2023 và các nhà mạng đủ điều kiện sẽ khai trương thương mại trong năm 2024.

Đối với công nghệ mạng 6G, về lộ trình, ông Nhã cho biết, đầu năm 2022, Bộ đã thành lập Ban chỉ đạo thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ thông tin di động 6G. Ngày 14/8/2023, Bộ ban hành quyết định kiện toàn ban chỉ đạo 6G, phân thành 9 nhóm nhiệm vụ thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ 6G.

Từ nay đến cuối năm 2023, Bộ sẽ tập trung chuẩn bị các nội dung tham dự hội nghị vô tuyến thế giới năm 2023 dự kiến diễn ra tháng 11/2023. Đây là hội nghị quan trọng quyết định tầm nhìn, định hướng chiến lược cho phát triển 6G trên thế gưới. Trên cơ sở báo cáo kết quả tham gia hội nghị, Việt Nam sẽ xác định lộ trình triển khai các công nghệ mới phù hợp.

Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh, Bộ mong muốn sẽ đồng hành với thế giới trong triển khai, nghiên cứu, sản xuất thiết bị 6G.

Có thể bạn quan tâm