Ngày 1/7/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”. Nghị quyết đề ra nhiều mục tiêu quan trọng, trong đó có hai mục tiêu được đặt ra hàng đầu. Thứ nhất là Xây dựng hạ tầng thông tin quốc gia hiện đại, chuẩn hóa, đồng bộ, liên thông, đảm bảo khả năng tiếp cận và sử dụng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Thứ hai là Triển khai toàn diện, có hiệu quả ứng dụng CNTT trong quản trị, sản xuất kinh doanh của các tổ chức, đơn vị kinh tế nhà nước. |
Ngày Công nghệ thông tin (IT Day) là diễn đàn công nghệ thường niên của giới nghiên cứu, lãnh đạo và quản lý công nghệ nhằm chia sẻ thông tin, nhận diện xu thế và định hướng trong phát triển và ứng dụng CNTT; đồng thời tạo cơ hội hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và xúc tiến thương mại giữa các tổ chức, doanh nghiệp CNTT và các doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng.
Năm nay, IT Day đề cập đến chủ đề nóng của xu hướng công nghệ hiện nay là việc xây dựng chuẩn trao đổi thông tin số, hướng tới việc kiến tạo một xã hội thông minh hơn, đồng thời sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho công nghệ.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh: "Việc liên thông dữ liệu và chia sẻ thông tin là nhu cầu bức thiết hiện nay để phát triển Chính phủ điện tử cũng như xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia. Dữ liệu không được chia sẻ sẽ không mang lại hiệu quả, lãng phí tiền đầu tư...". Theo Thứ trưởng, việc kết nối, chia sẻ giữa các hệ thống thông tin của Chính phủ với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp; giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác sẽ chỉ được thực hiện khi hệ thống các chuẩn kết nối, trao đổi cũng như hệ thống cấp mã định danh thống nhất và duy nhất trên cả nước.
Được biết, liên quan đến chuẩn trao đổi thông tin, Bộ TT-TT đã triển khai thực hiện dự án “Xây dựng hệ thống chuẩn thông tin số và chuẩn trao đổi thông tin”, nghiên cứu, đề xuất 9 quy chuẩn kỹ thuật và 117 tiêu chuẩn kỹ thuật về phần mềm, nội dung thông tin số, chuẩn hóa trang thông tin điện tử, chuẩn hóa dữ liệu và trao đổi thông tin.
Chia sẻ quan điểm này, Thứ trưởng Bộ GT- VT Nguyễn Hồng Trường cũng cho rằng việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đặc biệt là tăng cường trao đổi thông tin số trong quản lý giao thông sẽ đảm bảo giá trị phát triển lâu dài cho ngành thông vận tải, cơ sở hạ tầng.
Tuy vậy, nhiều khó khăn, vướng mắc đã phát sinh trong thực tế triển khai. Hệ thống hành chính nhà nước của ta được chia làm nhiều cấp với các mối quan hệ phức tạp trong mỗi cấp và giữa các cấp; quy mô đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ các bộ, ngành rất khác nhau. Ngoài ra, còn có sự khác biệt lớn về quy mô, đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội của các tỉnh, thành phố trên các vùng miền. Do vậy, việc áp dụng chuẩn trao đổi thông tin số quốc tế của chúng ta gặp nhiều khó khăn, một số trường hợp ta phải tự xây dựng.
Đây là những trở ngại không nhỏ đặt ra đối với việc xây dựng chuẩn trao đổi thông tin số.
Chia sẻ kinh nghiệm từ Hàn Quốc, ông Young Sik Kim - Giáo sư Viện Khoa học và Công nghệ tiến tiến Hàn Quốc - cho biết: "Tại Hàn Quốc, chúng tôi tập trung triển khai chính phủ điện tử với các hệ thống không giấy tờ trong nhiều thập kỷ liền. Luật chính phủ điện tử là một cơ sở mạnh mẽ cung cấp đầy đủ các yếu tố thiết yếu từ cơ chế chính sách, tài chính đến các hướng dẫn, tiêu chuẩn cụ thể. Ngoài ra nó đã được triển khai theo một cách kỹ thuật thông qua khả năng tương tác, kiến trúc doanh nghiệp, và các khung tiêu chuẩn. Khu vực được áp dụng lớn nhất là khu vực G2B như Thương Mại, Hải quan, mua sắm và khu vực G2G với hệ thống phần mềm dùng chung trong các cơ quan chính phủ. Về khu vực G2C, Hàn Quốc có một hệ thống chia sẻ thông tin công cộng cung cấp các thông tin cần thiết mà công dân cần".
Các vấn đề trên đã được đưa ra thảo luận cụ thể trong phiên tọa đàm “Chuẩn trao đổi thông tin số cho một xã hội thông minh” với sự tham gia của PGS. TS Nguyễn Ái Việt – Nguyên Viện trưởng Viện CNTT Đại học Quốc gia Hà Nội, trong vai trò điều phối cùng sự tham gia trao đổi của các chuyên gia gồm: Ông Đinh Quang Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Thông tin và Truyền thông; bà Võ Thị Trung Trinh – Phó Giám đốc Sở TT&TT Tp. Hồ Chí Minh; Ông Nguyễn Hải Anh - Trưởng phòng Tiêu chuẩn chất lượng 7 (CNTT) Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam; TS. Phạm Hồng Quang - Giám đốc Trung tâm tin học và tính toán Viện hàn lâm khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Đóng góp vào chủ đề này, TS. Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện KHCN VINASA nhận định: "Gần đây, người ta nói nhiều đến internet vạn vật, đến các chủ thể "thông minh"... Nhưng có một nguy cơ là các thứ “thông minh” đó không thể "nói chuyện" được với nhau, dẫn đến lãng phí nguồn lực, thiếu liên kết hệ thống cơ sở dữ liệu và không thể tạo ra một xã hội thông minh, một đất nước thông minh. Chuẩn trao đổi thông tin giống như một thứ ngôn ngữ chung để các chủ thể thông minh đó "nói chuyện" được với nhau để xã hội thông minh hơn, các chức năng hoạt động hiệu quả hơn, đặc biệt là tránh lãng phí..."
Tổng kết những ý kiến quý báu thu được từ sự kiện này, TS. Nguyễn Nhật Quang khẳng định: "Với sự bảo trợ của Bộ TTTT và Bộ KHCN, sự kiện Ngày CNTT sẽ được duy trì tổ chức thường niên tạo một diễn đàn khoa học công nghệ có chất lượng và uy tín cao, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào việc nâng cao nhận thức, khả năng tiếp thu, làm chủ, sáng tạo công nghệ trong phát triển và ứng dụng CNTT của tất cả các ngành, các địa phương, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam".
Chương trình do 5 Viện đồng tổ chức bao gồm: Viện Khoa học Công nghệ VINASA (VSTI), Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam (VSQI); Viện Công nghệ thông tin – Đại học Quốc gia Hà Nội (ITI); Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam (NISCI) và Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông – Đại học Bách Khoa Hà Nội (SoICT), dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin & Truyền thông và Bộ Khoa học Công nghệ. |