Chuyển đổi số hướng tới xây dựng thành phố thông minh

Chuyển đổi số hướng tới xây dựng thành phố thông minh
Tạp chí Nhịp sống số - Đây là chủ đề của Hội nghị Chuyển đổi số và Thành phố Thông minh - Quảng Ninh 2019, khai mạc hôm nay (20/11) tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh).

Sự kiện là một trong các hoạt động được tổ chức song hành trong khuôn khổ Giải thưởng APICTA Awards 2019, do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đồng đăng cai tổ chức. Đây cũng là một nội dung thực thi trong chiến lược hợp tác dài hạn giữa VINASA và Quảng Ninh, nhằm thúc đẩy hơn nữa quá trình chuyển đổi số mà tỉnh là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện, tiến tới xây dựng một Quảng Ninh Số.  

Sự kiện đã thu hút sự tham gia của hơn 500 đại biểu đến từ 11 tỉnh/ thành phố trong nước và 16 quốc gia/ nền kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh – nhận định: “Hội nghị này là một sự kiện rất ý nghĩa và cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều đơn vị, địa phương trong cả nước đang tiến hành xây dựng thành phố thông minh (TPTM) và chuyển đổi số, đồng thời phù hợp với định hướng, chủ trương của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông. Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên, sau 7 năm triển khai Đề án Chính quyền điện tử, sau 2 năm triển khai Đề án xây dựng mô hình TPTM và hiện nay là Đề án xây dựng Chính quyền số, tỉnh Quảng Ninh chính thức phối hợp tổ chức 1 Hội nghị để trao đổi, chia sẻ về những vấn đề mà tỉnh đã và đang làm”.

Ông Đặng Huy Hậu cũng cho biết, Quảng Ninh đặc biệt chú trọng việc đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và ứng dụng CNTT, coi lĩnh vực thông tin – truyền thông vừa là một nền tảng quan trọng, vừa là nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh, mạnh, bền vững của Tỉnh. Thành quả của nỗ lực này đã phần nào được thể hiện qua những chỉ số đánh giá xếp hạng, cụ thể: Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin ICT Index 3 năm liền đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố, năm 2019 đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, năm 2018 Quảng Ninh đã được tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) trao tặng giải thưởng danh giá ASOCIO cho chính quyền số, với những thành công và kết quả trong xây dựng Chính quyền điện tử.

Trong phiên khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Trung Chính - Phó Chủ tịch VINASA – chia sẻ: “Với sự ra đời và phát triển đột phá của những công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, Dữ liệu lớn, Blockchain,… cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư đang dẫn dắt chúng ta bước vào một hành trình mới - hành trình Chuyển đổi số. Trong hành trình đó, ở tầm quốc gia, việc kiến tạo và vận hành các TPTM, đô thị thông minh là vô cùng cần thiết. Đây không chỉ là những trung tâm của các hoạt động kinh tế xã hội mà còn là trung tâm của hoạt động đổi mới sáng tạo, giáo dục, nghiên cứu khoa học công nghệ, sản xuất, thương mại và hội nhập quốc tế”.

Bên cạnh đó, trong định hướng thúc đẩy việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để phục vụ phát triển đất nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc cách mạng này mang lại. Trong đó, Nghị quyết đặt ra mục tiêu: đến năm 2025, Việt Nam có ít nhất 3 đô thị thông minh tại cả 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc, Trung, Nam; Đến năm 2030, Việt Nam phải hình thành chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm, từng bước kết nối mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Trong bối cảnh đó, Hội nghị quốc tế về Chuyển đổi số và Thành phố thông minh  – Quảng Ninh 2019 tập trung vào 2 vấn đề cụ thể là Ứng dụng Chuyển đổi số xây dựng thành phố thông minh và Chuyển đổi số trong các ngành trọng điểm – vốn là xương sống về kinh tế - xã hội của các thành phố.

Sau phiên khai mạc, Hội nghị chia thành 2 Hội thảo chuyên đề với các phiên tọa đàm, nơi các chuyên gia chia sẻ các quan điểm, tri thức và kinh nghiệm thực tiễn về những kiến trúc tổng thể cũng như những thành tố cấu thành nên các đô thị thông minh phát triển bền vững. Cùng đó, là phần giới thiệu thực tiễn từ tỉnh Quảng Ninh – một trong những địa phương tiên phong về ứng dụng CNTT và đặt quyết tâm cao trong việc xây dựng thành phố thông minh.

Cụ thể, Hội thảo chuyên đề 1 có nội dung “Ứng dụng Chuyển đổi số xây dựng TPTM” với các báo cáo chính: Xây dựng hạ tầng số cho Đô thị thông minh (Diễn giả là bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Tp. Hồ Chí Minh); Dữ liệu - Huyết mạch của Chuyển đổi số (Ông Steven Furst, Giám đốc Tư vấn chiến lược, Kiến trúc sư về Chuyển đổi số, Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT); Tổng quan về mạng dữ liệu lớn cho TPTM (Ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám đốc VNG Cloud); Hạ tầng công nghệ cho TPTM (Ông Lê Anh Vũ, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Dịch vụ giá Giá trị gia tăng Công ty CMC Telecom).

Sau các báo cáo chính là phần tọa đàm chuyên đề: Xây dựng TPTM phát triển bền vững, do ông Nguyễn Nhật Quang - Phó Chủ tịch VINASA, Viện trưởng Viện KHCN VINASA – điều phối. Các ý kiến thảo luận xoay quanh vấn đề cho phát triển TPTM như: Trung tâm dữ liệu, điều hành tập trung; Giải pháp phân tích, điều hành dựa trên dữ liệu (Big Data); Hợp tác công tư trong xây dựng Smart City tại Quảng Ninh; Hạ tầng thông tin như một hạ tầng thiết yếu của TPTM…

Hội thảo chuyên đề 2 có chủ đề: Chuyển đổi số trong các ngành trọng điểm sẽ giới thiệu các kinh nghiệm và giải pháp về chuyển đổi số trong các ngành y tế, giáo dục, quản lý điều hành cảng biển, du lịch… đây là những ngành trọng điểm mà nhiều tỉnh, thành phố đang rất quan tâm.

Nhận định về chương trình làm việc khá “dày đặc” nhưng hiệu quả này, ông Stan Singh, Chủ tịch APICTA cho rằng: “Công cuộc chuyển đổi số của các đô thị, các thành phố nên được bắt đầu ngay từ ngày hôm nay, với một lộ trình dài hơi và cụ thể do chính các nhà lãnh đạo và chuyên gia công nghệ cùng bắt tay kiến tạo. Các TPTM ấy có nhiều cấu phần khác nhau, nhưng đều dựa trên những trụ cột chính là hạ tầng, dữ liệu, nền tảng công nghệ và hệ điều hành thông minh. Hy vọng, qua những gì chúng ta đã trao đổi và chia sẻ trong ngày hôm nay, nền móng ấy sẽ phát triển thành những TPTM phát triển bền vững trong một tương lai gần tại Việt Nam và khu vực”.

Có thể bạn quan tâm

Theo Microsoft, có đến 88% lao động tri thức ở Việt Nam sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ở nơi làm việc. AI được cho là giúp người lao động tiết kiệm thời gian, tăng khả năng sáng tạo và tập trung vào các nhiệm vụ chính.