Việc triển khai nội dung hợp tác này sẽ giúp tỉnh Sóc Trăng khai mở, tận dụng tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh, hướng tới hoàn thành các mục tiêu về chuyển đổi số đã được đề ra trong Nghị quyết 07-NQ/TU Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.
Lễ ký kết hợp tác giai đoạn 2022-2025 giữa UBND tỉnh Sóc Trăng và Tập đoàn VNPT
Trong giai đoạn 2014- 2020, với sự hợp tác của Tập đoàn VNPT, hạ tầng VT-CNTT của tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều thay đổi, đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số chính quyền như đã đưa vào vận hành Trung tâm tích hợp dữ liệu; triển khai mô hình điện toán đám mây, hệ thống thông tin dùng chung, nền tảng chia sẻ cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4. Đáng chú ý, mạng 3G/4G cơ bản đã phủ sóng trên phạm vi toàn tỉnh, mạng cáp quang viễn thông đã đến 100% khóm/ấp. Tỉ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt 53,8% tổng dân số.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng nhìn nhận, chuyển đổi số trong người dân còn hạn chế, nhất là vùng nông thôn, đồng bào dân tộc. Công nghệ số chưa được ứng dụng sâu rộng trong lĩnh vực kinh tế vì chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, mức độ tiếp cận công nghệ thấp. Công tác số hóa, ứng dụng CNTT tại các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp chưa đi vào chiều sâu. Cơ sở dữ liệu quốc gia chưa được liên thông đầy đủ. Năng lực cạnh tranh tỉnh thấp. Chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng công nghệ số vào các mặt kinh tế, xã hội chưa thật sự mạnh mẽ. Chính vì vậy, UBND tỉnh Sóc Trăng đã tiếp tục lựa chọn VNPT làm đối tác trong lĩnh vực VT-CNTT để hỗ trợ Tỉnh khắc phục các tồn tại hiện có, sớm đạt các mục tiêu chuyển đổi số mà Tỉnh đã đề ra.
Tại Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2022-2025 giữa UBND tỉnh Sóc Trăng và Tập đoàn VNPT, Lãnh đạo Tập đoàn VNPT chia sẻ, để giúp tỉnh Sóc Trăng hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, với vai trò là đối tác chiến lược, Tập đoàn VNPT sẽ cung cấp cho Tỉnh các giải pháp, ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số. Trong đó, VNPT tập trung chuẩn hóa, phân tích, cập nhật đầy đủ kịp thời các thông tin của tỉnh lên Trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC) của tỉnh, thực hiện chuyển đổi số cho các ngành, lĩnh vực trọng điểm: y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp, an sinh xã hội và một số lĩnh vực quan trọng khác. Song song đó, VNPT cùng UBND Sóc Trăng hợp tác trong xây dựng hạ tầng số và phát triển Đô thị thông minh cũng như hoàn thiện các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và phát triển nguồn nhân lực.
Trong lĩnh vực Chính quyền số, VNPT sẽ triển khai các giải pháp: tích hợp các nền tảng dùng chung như Cổng dịch vụ công quốc gia thực hiện Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; hệ thống báo cáo điều hành theo Danh mục thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tiếp tục triển khai các hệ thống CSDL chuyên ngành trong quản trị các lĩnh vực Y tế, Giáo dục, Công thương, Đầu tư, Lao động, Giao Thông, Công chức viên chức...
Trong lĩnh vực Kinh tế số, VNPT sẽ tham gia triển khai các giải pháp chuyển đổi số để hỗ trợ Sóc Trăng thúc đẩy các ngành kinh tế mũi nhọn: công nghiệp, công nghệ cao; phát triển nông nghiệp xanh, công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái; các ngành dịch vụ thế mạnh: thương mại, logistics, giao thông vận tải... Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng viễn thông di động, 5G, Internet tốc độ cao, tạo nền móng sẵn sàng cho chuyển đổi số các ngành kinh tế của tỉnh. Đặc biệt, hệ sinh thái chuyển đổi số doanh nghiệp vừa và nhỏ (oneSME) của VNPT sẽ giúp các doanh nghiệp tỉnh tiếp cận công nghệ mới nhất nhằm tối ưu hóa hoạt động SXKD, nâng cao năng lực tiếp cận thị trường năng động trên môi trường số. Đối với xã hội số, VNPT sẽ đồng hành cùng Sóc Trăng chuyển đổi số các lĩnh vực, tới từng cấp phường xã nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Phát biểu tại Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác VNPT, Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng tin tưởng với vai trò là Tập đoàn kinh tế nhà nước chủ lực về VT-CNTT, dữ liệu lớn Big Data và trí tuệ thông minh nhân tạo AI, VNPT sẽ giúp Sóc Trăng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, dữ liệu số để điều chỉnh phương thức hoạt động, cấu trúc lại quy trình, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản trị, điều hành của cả hệ thống chính trị trên địa bàn Tỉnh, hướng tới mục tiêu cơ bản đến năm 2025, 100% các báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế- xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp sẽ được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống thông tin báo cáo của Tỉnh và Chính phủ.
Tỉnh Sóc Trăng đặt quyết tâm phấn đấu đến 2030 hoàn thành chuyển đổi số đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh, xây dựng hoàn thiện đô thị thông minh, kết nối thống nhất với mạng lưới đô thị thông minh khu vực ĐBSCL và cả nước. Hoàn thành xây dựng tất cả cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cấp huyện/xã đưa vào kho dữ liệu dùng chung của tỉnh. 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số. 100% hồ sơ công việc được xử lý qua môi trường mạng đối với cấp tỉnh, 90% với cấp huyện và 70% với cấp xã. Nền kinh tế số của tỉnh sẽ chiếm 30% GRDP; Hạ tầng cáp quang đến hộ gia đình đạt 100%; 80% dân số có tài khoản thanh toán điện tử.