Chuyển đổi số Quốc gia - Cơ hội thành Thánh Gióng cho các Startup Công nghệ Việt

Chuyển đổi số Quốc gia - Cơ hội thành Thánh Gióng cho các Startup Công nghệ Việt
Tạp chí Nhịp sống số - Các startup hiện nay có công nghệ không kém gì các doanh nghiệp lớn, và hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội chuyển đổi số quốc gia để lớn nhanh.

Nhằm hưởng ứng NĂM CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA, đồng thời góp phần phát triển lực lượng DN khởi nghiệp Công nghệ số (Digital Startups), VINASA phối hợp với Văn phòng 844 tổ chức Hội nghị thúc đẩy Khởi nghiệp ĐMST ngành CNTT 2020, nằm trong chuỗi sự kiện thúc đẩy Khởi nghiệp Công nghệ số trong khuôn khổ Techfest Quốc gia 2020. Đây cũng là nội dung hoạt động thuộc nhiệm vụ “Xây dựng và triển khai chương trình trao đổi các chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam với nước ngoài” thuộc đề án 844. Với chủ đề Chuyển đổi số - Cơ hội thành Thánh Gióng cho các Startup Công nghệ Việt, Hội nghị thu hút sự tham dự của khoảng 200 đại biểu đại diện cho các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp: Các nhà đầu tư, các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp, các vườn ươm, và đông đảo Startup công nghệ.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu  kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, là bệ phóng vững chắc cho sự bùng nổ của các Startup Công nghệ nói chung và Chuyển đổi số nói riêng. Cuộc CMCN 4.0 và tác động của Covid – 19 đã khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải thích ứng với Chuyển đổi số. Năm 2020 là năm Chuyển đổi số Quốc gia sâu rộng và toàn diện. Xu thế này tạo ra những thay đổi quan trọng trong chuỗi giá trị các ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh của nền kinh tế số hiện nay, đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp và mô hình truyền thống phải có sự thay đổi mạnh mẽ để tiếp tục tồn tại và phát triển. Vì vậy, đây được coi là thời điểm vàng để các Startup công nghệ số Việt phát triển nhanh chóng thành những THÁNH GIÓNG Công nghệ của Việt Nam và khu vực.  

Phát biểu tại hội nghị, Tiến sĩ Chawapol Jariyawiroj, Giám đốc quốc gia, Amazon Web Services (AWS) Thái Lan và Việt Nam cho biết: “Trước đây, các công nghệ kiểu cũ thì chỉ có các công ty lớn, có tiềm lực kinh tế mạnh mới có thể tiếp cận được công nghệ đó. Do đó họ luôn dẫn đầu thị trường, ít nhất là một vài bước. Nhưng bây giờ, thì dù công ty nhỏ hay những startup mới đều có thể tiếp cận được công nghệ không thua kém gì các những công ty lớn.”

Thế mạnh công nghệ mới đang giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể giành lợi thế trên các lĩnh vực công nghiệp truyền thống. Chuyển đổi số khiến thời thế thay đổi nhanh một cách chóng mặt. Không còn những câu chuyện cá lớn nuốt cá bé, tốc độ sẽ quyết định con cá nào làm chủ cuộc chơi.

Bà Nguyễn Thị Thu Giang - Tổng Thư ký VINASA cho biết: Hiện tại, các Startup Công nghệ đang có trình độ công nghệ vượt trội, không hề thua kém các công ty “đàn anh, đàn chị" trong ngành, đặc biệt rất phát triển trong các công nghệ mới và đang giải quyết những vấn đề hết sức cụ thể của xã hội với khả năng thích ứng và nhân rộng cao, với  đội ngũ tinh gọn, thích ứng tốt và năng lực chọn lọc, các Startup hiện nay hoàn toàn có khả năng bắt nhịp cùng cuộc cách mạng mới và tạo bứt phá trong cuộc đua Chuyển đổi số.”

Tuy nhiên, con đường ấy, chưa bao giờ là một hành trình dễ dàng. Ông Trịnh Ngọc Bảo, Cofounder & COO của Base.vn - Nền tảng quản trị Doanh nghiệp toàn diện với hơn 5.000 khách hàng và nhận đầu tư từ 5 quỹ quốc tế, chia sẻ tại hội nghị, trong quá trình bắt đầu Base đã gặp những khó khăn khi khách hàng so sánh tại sao phải dùng sản phẩm cloud của một startup trong khi đã có những sản phẩm được đầu tư hàng triệu đô tương tự của các ông lớn. Bằng việc  chỉ tập trung vào một mục tiêu duy nhất là tạo ra các ứng dụng tốt mang lại hiệu quả và tăng trưởng cho các doanh nghiệp, tạo ra giá trị thực sự cho khách hàng, Base đã vượt qua các hoài nghi ban đầu, dần khẳng định mình và nhận được sự tin tưởng từ các khách hàng.

Tại Hội nghị, xu hướng đầu tư cho các Startup Công nghệ cũng được ông Đoàn Văn Tuấn - Trưởng phòng đầu tư và quản lý danh mục đầu tư, Quỹ đầu tư Next100 chia sẻ. Theo ông Tuấn, thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư đang tập trung nhất vào các Startup trong lĩnh vực e-commerce, lending business và SaaS, tuy nhiên với mỗi quỹ đầu tư, các tiêu chí để tuyển chọn Startup không giống nhau nhưng hầu hết đều rất quan tâm tới profile của Founder.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Ban tổ chức đã lựa chọn và giới thiệu 11 startup Công nghệ. Đây đều là những doanh nghiệp khởi nghiệp nổi bật trong Chuyển đổi số với đa dạng lĩnh vực: Smart City, Logistic, E-commerce, SME, Nông nghiệp,…và đã chứng minh phần nào năng lực của mình thông qua những con số về doanh thu và tăng trưởng đáng ghi nhận: công ty EM&AI là là công ty tiên phong trong việc nghiên cứu chuyên sâu công nghệ phân tích ngôn ngữ tự nhiên NLP tiếng Việt và trí tuệ nhân tạo AI nhằm cung cấp giải pháp Chatbot toàn diện cho Doanh nghiệp với giá trị các hợp đồng hiện tại từ 50,000 - 500,000 USD. AnHome là công ty chuyên nghiên cứu và sản xuất các thiết bị thông minh trên nền tảng AI+IoT toàn cầu, là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng cả 3 công nghệ WiFi, Zigbee & BLE chạy đồng thời trên cùng một ứng dụng với mức tăng trưởng doanh thu quý 2/2020 gấp 6,5 lần cùng kỳ 2019. Xuất phát từ đội ngũ am hiểu việc vận hành của thương mại điện tử, cùng với ý thức sâu sắc về việc dùng công nghệ dẫn dắt xu hướng thị trường và giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp, Ecom Easy là startup chuyên cung cấp các giải pháp bán hàng trên kênh thương mại điện tử với doanh thu 2019 lên tới 500,000 USD, hơn 60,000 giao dịch và 30,000 user mới, doanh thu dự kiến 2020 lên tới 2 triệu USD.

Các Startup khác rất tiềm năng được giới thiệu bao gồm:  

- Ứng dụng Phiên dịch Ngôn ngữ ký hiệu eyespeak của Viện Nghiên Cứu Ứng Dụng Tâm Lý Trị Liệu & Phát Triển Nguồn Nhân Lực

- Ứng dụng gọi xe tải VTGO của Công ty VTGO Việt Nam  

- Hệ sinh thái Đấu thầu của Công ty VINADES

- Nền tảng truy xuất nguồn gốc 4.0 cho nông nghiệp hữu cơ của Công ty công nghệ và số hoá Toàn cầu  

- Giải pháp AI CALL CENTER của Công ty Gadget

- Ứng dụng kết nối trí tuệ toàn cầu - Amentor của Công ty Amentor  

- Hệ thống phần mềm quản trị doanh nghiệp – ERP của Công ty Tài nguyên Soft  

Trong cuộc đua Chuyển đổi số, các Startup thể hiện mình không chỉ qua những con số tăng trưởng, mà còn qua sự tiên phong khai phá về công nghệ và thị trường ngách tại nhiều lĩnh vực. Các Startup đạt giải sẽ được kết nối với các nhà đầu tư trong CLB Đầu tư Công nghệ Số Việt Nam (VDI) và có 02 Startups dự kiến sẽ nhận được cam kết đầu tư. Các Startup này cũng được bố trí gian hàng trưng bày trong khu vực triển lãm của Techfest 2020.

Cùng với Hội nghị thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngành CNTT 2020, VINASA và Văn phòng 844 đã phối hợp tổ chức 02 hoạt động khác bao gồm: Hội nghị ra mắt Mạng lưới nhà đầu tư trong lĩnh vực ICT (CLB Đầu tư Khởi nghiệp Công nghệ số Việt Nam Vietnam Digital Investors - VDI); và Triển lãm Startup Công nghệ số Việt Nam.  

 

Có thể bạn quan tâm

Theo Microsoft, có đến 88% lao động tri thức ở Việt Nam sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ở nơi làm việc. AI được cho là giúp người lao động tiết kiệm thời gian, tăng khả năng sáng tạo và tập trung vào các nhiệm vụ chính.