Chiều ngày 16/6, Hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành đã diễn ra tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao.
Là một đơn vị chủ lực của Tập Đoàn Viettel trong công cuộc chuyển đổi số, Viettel Solutions đã trở thành đơn vị đồng hành, tư vấn, cung cấp và triển khai các giải pháp công nghệ số cho Tòa Án từ năm 2021 với sự ra đời của Trung tâm Giám sát và Điều hành hoạt động Toà án nhân dân.
Trong 3 năm qua, bên cạnh Trung tâm giám sát và điều hành hoạt động Toà án, Viettel Solutions đã triển khai thành công nhiều hệ thống chuyển đổi số quan trọng cho Tòa án như Trung tâm dữ liệu Toà án; Hệ thống quản lý công việc và công tác chỉ đạo điều hành, đồng thời tư vấn và thử nghiệm những hệ thống giải pháp mới như: Trợ lý ảo tòa án;… góp phần đẩy nhanh quá trình hoàn thiện mô hình kiến trúc của Toà án điện tử.
Theo báo cáo hiệu quả của Tòa án nhân dân tối cao, trong 3 năm triển khai ứng dụng các hệ thống công nghệ vào hoạt động, ước tính Tòa án đã tiết kiệm được 20% chi phí hoạt động và chi phí xã hội; tăng 30% năng suất lao động của Thẩm phán, công chức Tòa án; rút ngắn 70% thời gian người dân thực hiện các thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án.
Trong đó, Trung tâm Giám sát và điều hành hoạt động tòa án nhân dân đóng vai trò là bộ não số của tòa án. Nền tảng này tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có trong toàn bộ ngành tòa án với các phần mềm điều khiển trung tâm, bảo đảm vận hành thông suốt, công khai, minh bạch, dễ dàng theo dõi, giám sát và đánh giá hoạt động của gần 800 tòa án nhân dân trên toàn quốc.
Ngoài ra, Trung tâm dữ liệu Tòa án nhân dân được đầu tư, trang bị các thiết bị số hiện đại đạt chuẩn Tier 2+. Hệ thống này được thiết kế theo hướng mở cho phép nâng cấp theo từng giai đoạn nhằm bảo đảm cho công tác quy hoạch, mở rộng theo lộ trình chuyển đổi số, xây dựng tòa án điện tử.
Đặc biệt, phần mềm trợ lý ảo đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng xét xử của tòa án.
“Trợ lý ảo” đang đóng vai trò như một thư ký riêng, được lập trình am hiểu pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ của tòa án, làm việc 24/7 và luôn bên cạnh thẩm phán, giao tiếp với thẩm phán bằng ngôn ngữ tự nhiên thông qua điện thoại di động, máy tính cá nhân.
Trước đây, các thẩm phán phải mất rất nhiều thời gian để mã hóa các bản án thủ công. Nhưng giờ chỉ sau 1 cú “click” chuột là đã có thể mã hóa một cách chính xác. Tính từ năm 2022 đến nay, trợ lý ảo đã hỗ trợ gần 5,8 triệu lượt hỏi đáp, trung bình từ 10.000-15.000 lượt/ngày; mã hóa gần 500 bản án mỗi ngày...
Tại hội nghị, đồng chí Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình xác định: “Việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử là nhiệm vụ cấp thiết, trọng tâm về thực hiện cải cách tư pháp trong Tòa án, là cơ hội để hệ thống Tòa án nâng cao hiệu quả hoạt động, củng cố niềm tin của người dân vào công lý.” Và trên hành trình đó, Viettel Solutions cam kết đồng hành và mang đến hệ thống sản phẩm, giải pháp công nghệ số hiệu quả, toàn diện do người Việt Nam xây dựng và làm chủ với tinh thần “Công nghệ từ trái tim”.