Tuyến cáp xuyên Việt này của CMC Telecom sẽ có tổng chiều dài gần 2.000 km, dung lượng 96 FO, công nghệ mới nhất với 100 Gbps trên một bước sóng. Dự kiến chi phí đầu tư cho tuyến cáp CVCS này là hơn 200 tỷ đồng và sẽ đưa vào sử dụng từ giữa năm 2017.
Theo bản đồ xây dựng dự án, tuyến cáp xuyên Việt này của CMC Telecom sẽ đi qua 20 tỉnh thành lớn trên toàn quốc kéo dài từ Bắc vào Nam như Hải Phòng, Thanh Hoá, Vinh, Huế, Quy Nhơn, Nha Trang…
Công nghệ 100 Gbps trên một bước sóng, tuyến cáp xuyên Việt kỳ vọng sẽ giúp CMC Telecom nâng cao năng lực hạ tầng, mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ toàn quốc, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày một gia tăng của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Trước đó hồi cuối năm 2016, nhà mạng này vừa chính thức đưa vào khai thác tuyến cáp quang biển quốc tế APG.
Tổng chiều dài tuyến khoảng 10.400 km, APG có khả năng cung cấp băng thông tới 54 Tb/s, mang lại tốc độ internet nhanh hơn gần 20 lần so với cáp biển AAG.
Ngoài CMC Telecom còn có các doanh nghiệp viễn thông lớn của châu Á như NTT Docomo (Nhật Bản), China Telecom (Trung Quốc) hay KT (Hàn Quốc)…. cũng đồng sở hữu và khai thác tuyến cáp biển quốc tế APG.
CMC Telecom là đối tác độc quyền của IBM trong việc cung cấp dịch vụ bảo mật thuê ngoài và là đối tác cung cấp dịch vụ Điện toán đám mây Cấp 1 của Microsoft. Năm 2016, đơn vị này được tạp chí của Mỹ, tạp chí CIO Outlook, lựa chọn là một trong 25 đơn vị viễn thông triển vọng nhất châu Á – Thái Bình Dương.
Đây cũng là công ty hạ tầng viễn thông Việt Nam duy nhất có cổ đông chiến lược nước ngoài là TIME dotCom - tập đoàn viễn thông Top 2 Malaysia, chiếm đến hơn 45% cổ phần trong CMC Telecom.