Không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19
Cụ thể, theo báo cáo của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử tại hội nghị đánh giá hoạt động thông tin điện tử năm 2020 và định hướng năm 2021 mới đây, doanh thu của ngành công nghiệp game online đã tăng từ 4,968 nghìn tỷ đồng của năm 2015 lên mức 11,5 nghìn tỷ đồng năm 2019 và dự báo tăng trưởng năm 2020 là 12 nghìn tỷ đồng.
Các doanh nghiệp ngành game online cũng nộp ngân sách nhà nước 1.150 tỷ đồng năm 2019, so với 490 tỷ đồng năm 2015, dự kiến năm 2020 là 1.200 tỷ đồng. Về lao động, con số tăng trưởng còn ấn tượng hơn, từ mức 7.000 người năm 2015 lên đến 24.000 người năm 2019.
Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết, tính đến hết 30/10/2020, có 193 doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng (trong đó có 4 doanh nghiệp thông báo ngừng hoạt động, 50 doanh nghiệp vừa bị thu hồi giấy phép G1).
Số lượng trò chơi điện tử đã được cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản là 878 trò chơi (trong đó có 625 trò chơi đang phát hành, 253 trò chơi đã thông báo dừng phát hành). Số lượng doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký G2, G3, G4 là 106 doanh nghiệp; 8.332 trò chơi điện tử G2, G3 và G4 trên mạng được cấp Giấy xác nhận thông báo phát hành.
Theo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, ở góc độ tích cực, trò chơi điện tử trên mạng hiện nay đang được xếp vào là một trong những ngành công nghiệp nội dung số có hàm lượng trí tuệ cao, mang lại lợi nhuận lớn, tạo việc làm cho nhân lực ngành công nghệ thông tin, thu hút lao động, đóng góp kể cho ngân sách nhà nước.
"Với những số liệu thống kê ghi nhận từ thị trường về doanh thu từ hoạt động cung cấp trò chơi điện tử trên mạng (game online) từ năm 2015 đến 2019 như trên cho thấy mức tăng trưởng gấp đôi về doanh thu, gấp gần 2 lần rưỡi về tiền thuế nộp ngân sách nhà nước và gấp ba về nhân lực hoạt động trong ngành game online", đơn vị quản lý ngành game online nhận xét.
Cảnh giác "đường lưỡi bò" cài cắm trong game online nhập khẩu
Dù vậy, lĩnh vực này vẫn còn những bất cập nhất định. Đặc biệt theo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử là tỷ lệ game online có nguồn gốc từ Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam chiếm hơn 80% số lượng game G1 được cấp Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử. Cùng với con số trên thì nguy cơ cài cắm bản đồ đường lưỡi bò, vi phạm chủ quyền biên giới trong các game online nhập khẩu từ Trung Quốc có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Các công ty Trung Quốc cố tình vi phạm bằng chiêu thức cài cắm đường lưỡi bò vào trong game online khi cập nhật, nâng cấp phiên bản trò chơi đã được doanh nghiệp mua bản quyền và phát hành tại Việt Nam hoặc trong các game online không phép phát hành xuyên biên giới giành cho trẻ em nhằm xâm lấn văn hóa, tuyên truyền để đầu độc trẻ em Việt Nam.
Trong thời gian gần đây, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã liên tục có công văn yêu cầu các doanh nghiệp Việt thận trọng trong việc lựa chọn, mua bản quyền các game online có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cũng đặc biệt lưu ý, đối với các game đang phát hành tại Trung Quốc có xuất hiện đường lưỡi bò, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia thì nên cân nhắc không hợp tác phát hành trò chơi tại Việt Nam, tránh tình trạng gián tiếp tiếp tay cho doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp các sản phẩm vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam; đặc biệt khi nâng cấp, cập nhật phiên bản trò chơi, doanh nghiệp cũng cần rà soát chặt chẽ hình ảnh, sơ đồ, bản đồ.