Thông báo của Continental nêu rõ công ty này sẽ cấm các nhân viên sử dụng các ứng dụng mạng xã hội như WhatsApp và Snapchat trong mạng lưới toàn cầu của công ty, và lệnh cấm này có hiệu lực "ngay lập tức".
Theo Continental, các ứng dụng này có những "lỗ hổng" mâu thuẫn với điều luật bảo vệ dữ liệu nghiêm ngặt mới của Liên minh châu Âu (EU), trong đó đặc biệt đáng quan ngại là việc các ứng dụng này yêu cầu được tiếp cận danh bạ liên lạc của người dùng.
Công ty đặt trụ sở tại Hanover này cũng cho biết sẵn sàng chấm dứt lệnh cấm nếu các ứng dụng trên thay đổi chính sách để đảm bảo tuân thủ luật bảo vệ dữ liệu của EU.
Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDRP) của EU vừa có hiệu lực từ ngày 25/5 vừa qua, trong đó một nội dung chính là các công ty cung cấp dịch vụ mạng Internet phải được sự cho phép của người dùng trước khi tiếp cận các dữ liệu cá nhân của họ.
Snap Inc, công ty chủ quản của ứng dụng Snapchat, cho rằng quyết định của Continental dựa trên thông tin thiếu chính xác. Theo đó, người dùng Snapchat có quyền quyết định cho phép ứng dụng này tiếp cận thông tin danh bạ hay không.
Bên cạnh đó, người dùng có thể xóa các thông tin này bất kỳ lúc nào. Snapchat cũng không lưu trữ thông tin liên lạc của những người không sử dụng ứng dụng này.
Những lo ngại về việc lạm dụng thông tin cá nhân nổi lên sau vụ bê bối rò rỉ dữ liệu mới đây liên quan đến Facebook và Cambridge Analytica (CA).
Công ty phân tích thị trường và tư vấn chính trị của Anh bị cáo buộc sử dụng trái phép dữ liệu của 87 triệu người dùng mạng xã hội Facebook để phục vụ chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ của tỷ phú Donald Trump hồi năm 2016.