Vietnam Retail Banking Forum là sự kiện thường niên do IDG Vietnam phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng (NH) Việt Nam tổ chức. Với một năm đầy biến động do sự hoành hành của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu như năm nay, Diễn đàn chọn chủ đề "Vai trò dịch vụ ngân hàng bán lẻ trong việc thúc đẩy số hóa nền kinh tế thời kỳ hậu Covid".
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Đình Thắng - Nguyên Chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt - cho biết: dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhận thức chuyển đổi số (CĐS) ngành NH sớm thêm từ 3 đến 5 năm, đặt các hệ thống NH trước yêu cầu bắt buộc phải chuyển đổi số (CĐS) để tồn tại và phát triển.
Áp lực mới cho mảng NH bán lẻ
Song song với xu hướng số hóa mạnh mẽ đó, bà Nguyễn Tú Anh - Nguyên Chủ tịch Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam - cho biết, dịch Covid-19 đã tạo bước nhẩy vọt trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Cùng đó, các sản phẩm, dịch vụ, tiện ích của NH ngày càng được nâng cấp hiện đại. Cuộc đua công nghệ ngày càng khắc nghiệt trong ngành NH nhằm duy trì và giữ vững thị phần.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam, các NH đã tiếp tục tập trung phát triển mảng bán lẻ dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ số, đi cùng với việc đẩy mạnh quá trình CĐS; chú trọng đáp ứng nhu cầu và trải nghiệm cho khách hàng theo hướng tăng cường cá nhân hóa, đa dạng hóa lựa chọn của khách hàng.
"Có thể thấy, các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động và ngân hàng trực tuyến ngày càng phát triển với nhiều tiện ích mới mẻ, thuận tiện, nhanh chóng... Đằng sau đó là việc các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh đầu tư ứng dụng các công nghệ mới như: Công nghệ phi tiếp xúc, ứng dụng sinh trắc học trong xác thực khách hàng, tích hợp các dịch vụ khác nhau trên cùng một ứng dụng, giao dịch từ xa, trợ lý ảo…", ông Thắng cho biết.
Minh chứng cho nhận định này, có thể kể đến NH Công Thương Việt Nam (VietinBank) với việc ưu tiên CĐS trong 4 lĩnh vực: (1) Nâng cao trải nghiệm khách hàng; (2) Nâng cao năng suất lao động nhờ áp dụng các công nghệ: AI, Big Data, Machine Learning…; (3) Kết hợp với các đối tác cùng nhau xây dựng hệ sinh thái lấy khách hàng làm trọng tâm; (4) Tập trung phân tích - làm giàu dữ liệu để hiểu hơn về khách hàng.
Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó tổng giám đốc VietinBank cho biết: "VietinBank đang thí điểm triển khai kiosk thông minh tại một số phòng giao dịch. Ngay khi khách hàng bước vào sảnh phòng giao dịch, camera sẽ quét khuôn mặt và nhận biết khách hàng thuộc nhóm nào, kiosk sẽ hỏi nhu cầu của khách hàng là gì? Sau đó hệ thống sẽ phân luồng khách hàng, đẩy thông tin khách hàng về quầy giao dịch giúp giao dịch viên nhanh chóng nhận biết nhu cầu của khách, từ đó phục vụ tốt hơn. Đặc biệt, việc này còn giúp tiết kiệm được từ 30-40% thời gian so với thời gian giao dịch thông thường trước đây".
Thói quen "xỉa tiền mặt" đang dần biến chuyển
Không thể phủ nhận, một trong những tác động tích cực của dịch Covid-19 nói chung là thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và đây là cơ hội tốt cho các công ty Fintech, ví điện tử. Khi hành vi của người tiêu dùng buộc phải thay đổi trước các yêu cầu về an toàn và giãn cách xã hội, đây chính là thời cơ để thương mại điện tử cùng hình thức thanh toán trực tuyến lên ngôi.
Trong bối cảnh đó, theo ông Nguyễn Xuân Việt Bình - Giám đốc Điều hành của Moca, việc tạo ra được công cụ thanh toán và các phương thức bán hàng trực tuyến, tiện dụng cho người dùng là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn cho các công ty FinTech, trung gian thanh toán và thương mại điện tử. Tận dụng cơ hội này, Moca và đối tác Grab Việt Nam đã nỗ lực tối đa để thực hiện nhiều điều chỉnh về sản phẩm, vừa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng mới vừa đảm bảo được an toàn cho người dùng khi thanh toán trực tuyến.
Nhờ đó, chỉ trong 1 năm vừa qua, Moca đã có thêm 2,5 triệu người dùng mới, ông Bình cho biết và đưa ra những số liệu ấn tượng: Riêng trong tháng 3/2020, số người dùng lần đầu tiên thanh toán không dùng tiền mặt qua Moca trên nền tảng Grab tăng đến 22,5% so với tháng trước đó; Với hệ sinh thái Grab, trong dịch Covid-19, giao dịch không dùng tiền mặt được thực hiện qua Moca chiếm đến 43%. Với dịch vụ đi chợ trực tuyến GrabMart, tỉ lệ giao dịch không dùng tiền mặt chiếm đến 70%.
Đại diện Moca cũng nhận định, sự phát triển của các chính sách và quy định pháp luật cũng sẽ là yếu tố quan trọng cho việc phát triển của các trung gian thanh toán. Có được định hướng chuyển đổi mạnh mẽ của Chính phủ cũng như các quy định thúc đẩy tính an toàn của thanh toán không dùng tiền mặt sẽ là cơ sở quyết định để các doanh nghiệp phát triển. Lấy ví dụ như yêu cầu về triển khai xác thực hồ sơ người dùng vừa có hiệu lực từ đầu năm nay đã cho phép các ví điện tử thúc đẩy việc chống gian lận trong hoạt động thanh toán. Moca đã triển khai rất mạnh mẽ các định hướng này và hiện đã đảm bảo được 100% người dùng Moca đều đã gắn với tài khoản ngân hàng theo đúng quy định của Ngân hàng nhà nước.
Trong thời gian tới, Moca cho biết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với đối tác Grab để mở rộng hệ sinh thái thanh toán không dùng tiền mặt, đem những tiện ích thanh toán di động hiện đại, an toàn đến với mọi người dân, từ đó đồng hành cùng Chính phủ đưa Việt Nam hướng đến nền kinh tế không dùng tiền mặt.
Cụ thể là tiếp tục cải tiến về công nghệ và sản phẩm, đón đầu các thay đổi về chính sách để nâng cao trải nghiệm người dùng và cung cấp các sản phẩm dịch vụ có giá trị; Mở rộng các sản phẩm thanh toán hóa đơn như thanh toán tiền cước internet, truyền hình cáp, hóa đơn tài chính… Cùng đó, mở rộng hợp hệ sinh thái đến thương mại điện tử và các kênh bán hàng qua mạng xã hội, các kênh bán lẻ, xăng, dầu...: Tiếp tục mở rộng hợp tác với các ngân hàng, DN lớn để mở rộng chuỗi giá trị cho cả người dùng và cung cấp giải pháp tối ưu cho DN, ngân hàng.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện Diễn đàn Ngân hàng Bán lẻ Việt Nam còn có lễ vinh danh Ngân hàng Việt Nam tiêu biểu năm 2020. |