Tin từ Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) ngày 25/12 cho hay đơn vị này đã có văn bản thông báo về việc đấu giá khối băng tần gồm: B1-B1' (703-713 MHz và 758-768 MHz), B2-B2' (713-723 MHz và 768-778 MHz) và B3-B3' (723-733 MHz và 778-788 MHz).
Theo đó, các khối băng tần này đều có giá khởi điểm hơn 1.955 tỷ đồng; được quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-Advanced (4G) và các phiên bản tiếp theo. Thời hạn của giấy phép sử dụng băng tần là 15 năm.
Thời gian nộp hồ sơ từ ngày 25-27/12/2024 tại Cục Tần số Vô tuyến điện, số 115 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội.
Băng tần 694-806 MHz (thường gọi là băng tần 700MHz) được nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam quy hoạch để cung cấp dịch vụ truyền hình tương tự mặt đất (analog).
Tuy nhiên, trước sự phát triển của công nghệ, từ ngày 31/12/2020, truyền hình analog đã dừng phát sóng để chuyển sang truyền hình số mặt đất.
Từ cuối năm 2015, Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) đã phân bổ băng tần 700 MHz dành cho dịch vụ di động, với vùng phủ sóng rộng hơn.
Vì vậy, băng tần 700 MHz được coi là băng tần có giá trị thương mại rất cao. So với các băng tần 900 MHz, 1800 MHz hay 2100 MHz, băng tần 700 MHz có ưu điểm vượt trội về khả năng truyền sóng, giúp nhà mạng giải quyết được bài toán mở rộng vùng phủ sóng ở cả khu vực nông thôn và miền núi.
Băng tần 700 MHz có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển mạng 4G, 5G, giúp nhà mạng có thể cung cấp được dịch vụ giá rẻ hơn cho người dùng.