Theo đó, Chính phủ cần xây dựng các chương trình mục tiêu cho giai đoạn “cất cánh” của nền kinh tế, trong đó nhấn mạnh đến vai trò công nghiệp nặng, công nghiệp tiêu dùng và công nghiệp phụ trợ.
Đây là vấn đề được đặt ra trong Hội thảo quốc tế “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”, diễn ra cuối tháng 11/2016 tại Hà Nội. Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương, Tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam và Viện Hàn lâm khoa học và xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức.
Công nghệ và đổi mới sáng tạo – những trụ cột mới của nền kinh tế
Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương - khẳng định: cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay còn gọi là công nghiệp 4.0 sẽ là một xu thế lớn, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội mỗi quốc gia, từng khu vực và toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Cụ thể, trên phạm vi toàn cầu, nó đang vẽ lại bản đồ kinh tế trên thế giới với sự suy giảm quyền lực của các quốc gia phát triển dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên và sự gia tăng sức mạnh của các quốc gia dựa chủ yếu vào công nghệ và đổi mới sáng tạo. Với mỗi quốc gia, nó sẽ tác động toàn diện trên các khía cạnh chủ yếu của nền kinh tế, như về cấu trúc, trình độ phát triển, tốc độ tăng trưởng, mô hình kinh doanh, thị trường lao động…
Qua hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã có sự tăng trưởng liên tục, công nghệ sản xuất đã có bước thay đổi về trình độ theo hướng hiện đại, tỷ trọng công nghiệp chế tạo, chế biến trong giá trị sản xuất công nghiệp tăng, tỷ trọng công nghiệp khai thác giảm dần, cơ cấu xuất khẩu sản phẩm công nghiệp được chuyển dịch theo hướng với hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao hơn.
Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. “Nhìn chung, việc tạo nền tảng để nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được mục tiêu đã đề ra” – đồng chí Nguyễn Văn Bình nhận định. Một số dẫn chứng điển hình đã được đưa ra như: tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu theo chiều rộng, chất lượng và hiệu quả phát triển kinh tế còn thấp; tỷ trọng của nhóm ngành công nghiệp - xây dựng trong GDP còn cách khá xa so với các nước trong ASEAN, năng suất lao động thấp. Sức cạnh tranh của nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh còn thấp. Trình độ KH-CN của ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế tạo chưa cao.
Xung quanh chủ đề này, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Phó Giám đốc thường trực ĐH Quốc gia TPHCM cũng cho rằng: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng chính là cơ hội rất quý giá mà Việt Nam phải nhanh chóng đón bắt, tranh thủ để tiến thẳng vào lĩnh vực công nghiệp mới để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thu hẹp khoảng cách phát triển.
Theo ông, chiến lược công nghiệp của Việt Nam trong hơn 30 năm qua thể hiện rõ là chiến lược công nghiệp với ba chương trình kinh tế lớn: lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Chiến lược công nghiệp trên đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vì đã giải quyết được bức xúc về đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam trong bối cảnh khó khăn, phù hợp cho giai đoạn tăng trưởng và giảm nghèo. Tuy nhiên tiếp tục duy trì sẽ không còn phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cần nhìn nhận, đây thời cơ để chúng ta xây dựng chiến lược công nghiệp mới gắn với các đặc trưng của nó. Theo đó, Chính phủ cần xây dựng các chương trình mục tiêu công nghiệp cho giai đoạn cất cánh nền kinh tế, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của công nghiệp nặng, công nghiệp tiêu dùng và công nghiệp phụ trợ.
Cơ hội thay đổi vị thế đất nước cũng như vị thế của ngành CNTT ở Việt Nam
Đây là chia sẻ của PGS.TS Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT, người đã truyền cảm hứng và cả nỗi lo lắng của mình với các chuyên gia kinh tế cũng như giới công nghệ về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo ông, cuộc cách mạng với tên gọi khác là “cách mạng số” này đang diễn ra rất nhanh và sẽ làm thay đổi toàn diện diện mạo nền kinh tế xã hội cũng như cách thức làm việc trước đây của con người. Kinh tế số là cơ hội thay đổi vị thế đất nước cũng như vị thế của ngành CNTT ở Việt Nam.
Để tận dụng cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, theo ông Trương Gia Bình cần phải thúc đẩy chính sách tạo ra những vườn ươm công nghệ, khuyến khích khởi nghiệp. Quan trọng hơn cần thay đổi toàn diện giáo dục và đào tạo để Việt Nam có một nguồn nhân lực vừa có tinh thần khởi nghiệp, vừa có năng lực sáng tạo và có dũng khí chấp nhận mạo hiểm khi tham gia cuộc cách mạng này; ứng dụng nhanh nhất những thành tựu mà cuộc cách mạng số tạo ra để nâng cao đột suất, đột biến cho nền kinh tế đất nước.
Tham gia thảo luận về vấn đề này, bà Louise Chamberlain, Giám đốc UNDP tại Việt Nam đặt vấn đề: làm thế nào để Việt Nam sử dụng lao động hiệu quả, duy trì được sự bình đẳng trong xã hội trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bà Louise Chamberlain cho rằng, khu vực dịch vụ có rất nhiều tiềm năng để duy trì và phát triển thị trường lao động Việt Nam. Cần khai thác, thu hút đầu tư nhiều hơn nữa, nhất là thị trường công nghệ. Các doanh nghiệp cần được thông tin đầy đủ hơn trong việc áp dụng công nghệ mới.
Trong khi đó, GS Mike Gregory, nguyên Trưởng Bộ môn chế tạo và quản lý Đại học Cambridge cho rằng, bối cảnh toàn cầu hóa khiến các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc. Theo ông, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có nhiều khái niệm khác biệt, nhưng không thể tách rời công nghệ thông tin, số hóa. Sự tương tác qua lại giữa các công nghệ hiện đại đã tác động rất lớn đến cuộc sống, làm thay đổi cuộc sống. Để Việt Nam đón thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thành công, Chính phủ cần thiết kế các chương trình phù hợp để tiếp thu những công nghệ mới, xây dựng các chính sách cho các ngành, lĩnh vực; cần có cách tiếp cận mới để xây dựng chính sách dựa trên hiểu biết về nền kinh tế truyền thống và phản ánh được xu hướng thay đổi KH-CN đang diễn ra.
Đồng quan điểm, ông Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel bổ sung: Cần có chương trình quốc gia về kết nối thông tin. Theo ông, hạ tầng số đóng vai trò quan trọng, là bệ phóng cho mọi ngành nghề khác, cần đẩy mạnh thương mại điện tử, thành phố thông minh. Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư cho an toàn, an ninh để không bị thách thức phi truyền thống như an ninh mạng, an ninh số. Tập trung đào tạo chuyên sâu đẳng cấp quốc tế về trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, công nghệ sinh học… xem đó là nền tảng để tiếp nhận thành công cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.