Đại diện Ban tổ chức cho biết, cuộc thi dành cho tất cả sinh viên các trường đại học trên cả nước và một số trường trong khu vực châu Á. Tham dự cuộc thi, sinh viên được nghiên cứu, sáng tạo, trải nghiệm công nghệ mới nhất trong lĩnh vực tự hành và có cơ hội nhận được tổng giá trị giải thưởng hơn 1,5 tỷ đồng.
Đặc biệt, với sự tham gia của các đội thi đến từ các trường đại học trong khu vực châu Á, các bạn sinh viên Việt Nam sẽ được giao lưu, học hỏi thêm nhiều kiến thức và kỹ năng để chuẩn bị sẵn sàng làm việc trong môi trường toàn cầu.
Bên cạnh đó, đề thi năm nay cũng được nâng cao hơn so với năm trước. Cụ thể, tại vòng chung kết, các đội thi sẽ phải lập trình để xe chạy được theo làn đường trong điều kiện ánh sáng thay đổi; tránh được vỉa hè; khoanh vùng, xác định và tránh được vật cản (với hình dáng bất kỳ) xuất hiện trên đường, tự động phân tích loại vật cản đâm được hay không đâm được để từ đó ra quyết định di chuyển; nhận dạng và hành động được theo biển báo giao thông. Để đáp ứng với các bài toán công nghệ ngày càng nâng cao đó, tại cuộc thi năm nay, FPT cũng nâng cấp phiên bản mô hình xe tự hành lên tỷ lệ 1/7, dòng mạch chủ chuyên để xử lý đồ họa và trí tuệ nhân tạo, camerra có khả năng chuyển động và góc nhìn mở rộng…
Đặc biệt, tại trận chung kết, ngoài 6 đội xuất sắc nhất của các trường đại học của Việt Nam còn có sự tham gia của 2 đến 4 đội thi đến từ các trường đại học trong khu vực châu Á. Top 4 đội xuất sắc nhất sẽ được thực tập (với mức lương tối thiểu 5 triệu đồng/tháng) và cùng giải quyết các bài toán công nghệ mới nhất tại Ban Công nghệ Tập đoàn FPT.
Chia sẻ cùng báo giới bên lề sự kiện, ông Bùi Quang Ngọc - TGĐ Tập đoàn FPT - nhận định: "Xe tự hành là tương lai của ngành ô tô. Ở đó những kiến thức 4.0 được đưa vào nhiều nhất từ AI, dữ liệu kêt nối, IoT, Big Data… Không chỉ các đại gia ngành ô tô, ngay cả những công ty công nghệ như Google đều đặt cược vào xe tự hành. Chúng ta cũng bắt nhịp với xu hướng đó. Nếu các anh chị ở FPT Software tiệm cận với các hãng ô tô hàng đầu thì các bạn sinh viên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường cũng được tiếp cận với công nghệ này khi tham gia Cuộc đua số.."
Theo đó, với sự dịch chuyển chủ yếu sáng tạo từ phần cứng lên 90% thuộc về phần mềm, ô tô sẽ là một trong những ngành có sự thay đổi mạnh mẽ nhất trong cuộc cách mạng 4.0. Nhận diện xu thế này, FPT đã có những đầu tư mạnh mẽ vào công nghiệp phần mềm ô tô, như thành lập công ty chuyên về automotive, nghiên cứu phát triển công nghệ xe tự lái… Cuộc thi Cuộc đua số với chủ đề Lập trình xe tự hành cũng phần nào thể hiện nỗ lực đó.
Ông Lê Hồng Việt, Giám đốc công nghệ Tập đoàn FPT giới thiệu về mô hình xe sử dụng cho cuộc thi
Về cơ cấu giải thưởng, Đội vô địch sẽ được nhận phần thưởng có giá trị hơn 1,1 tỷ đồng, trong đó có 01 chuyến trải nghiệm, tìm hiểu về công nghệ mới tại Mỹ hoặc Nhật Bản trong vòng 1 tuần, 15 triệu đồng tiền mặt và 01 suất học bổng Tiến sĩ về ngành Trí tuệ nhân tạo trị giá 700 triệu đồng dành cho thí sinh xuất sắc nhất.
Ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT cho biết:“Mục tiêu của FPT khi tổ chức Cuộc đua số không chỉ là tạo sân chơi cho giới trẻ Việt Nam được tiếp cận, thực hành công nghệ mới nhất trên thế giới mà còn tạo ra một môi trường toàn cầu nhằm trang bị những kỹ năng cần thiết cho các bạn trẻ tự tin và sẵn sàng bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”,.
Là đơn vị đồng tổ chức Cuộc đua số 2018 – 2019, ông Đỗ Quốc Khánh, Trưởng Ban Khoa giáo – Đài Truyền hình Việt Nam nhấn mạnh: “Cuộc đua số là cuộc thi trí tuệ về công nghệ thông tin, thu hút được sự quan tâm của hàng ngàn sinh viên và hàng chục trường đại học lớn trên cả nước. Khi phát sóng trên VTV, chương trình này đã được khán giả trong cả nước đón nhận và đã tạo được dấu ấn của một chương trình game show trí tuệ đầy chất công nghệ. Vì vậy, VTV đã quyết định hợp tác với FPT để đưa cuộc thi này trở thành một sự kiện chính thức trong kế hoạch sản xuất của VTV trong năm 2019...”.
Cuộc đua số 2018-2019 sẽ được tổ chức ở cả 3 khu vực: Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Trong đó, vòng Nhận hồ sơ diễn ra từ 11/10-05/11/2018; Vòng sơ khảo (15/11-15/12/2018): BTC sẽ tổ chức 10 trận sơ loại để tìm kiếm ra tối đa 20 đội xuất sắc đại diện cho các trường vào vòng chung khảo.
Vòng bán kết (1/3/2019-31/03/2019) sẽ có 2 trận thi đấu để tìm ra tối thiểu 6 đội xuất sắc nhất đại diện cho các trường đại học ở Việt Nam vào trận chung kết.
Vòng chung kết (20/4/2019-25/05/2019) sẽ yêu cầu các đội thi sẽ phải lập trình để xe chạy được theo làn đường trong điều kiện ánh sáng thay đổi; tránh được vỉa hè; khoanh vùng, xác định và tránh được vật cản (với hình dáng bất kỳ) xuất hiện trên đường, tự động phân tích loại vật cản đâm được hay không đâm được để từ đó ra quyết định di chuyển; nhận dạng và hành động được theo biển báo giao thông.
Để tham gia cuộc thi Cuộc đua số 2018 – 2019, thí sinh đăng ký tại http://dangky.cuocduaso.fpt.com.vn. Mỗi đội thi gồm 3 - 4 thành viên của cùng 1 trường đại học. Ban tổ chức khuyến khích đội thi có 2 thành viên thuộc chuyên ngành CNTT, 1 thành viên thuộc chuyên ngành cơ điện tử, 1 thành viên thuộc chuyên ngành điện tử viễn thông. Các đội thi có thành viên biết kiến thức liên quan đến xử lí ảnh, học máy thống kê, lập trình nhúng, trí tuệ nhân tạo, kiến thức về lập trình trên Linux…; biết sử dụng ngôn ngữ lập trình C/ C++… là một lợi thế. |