Thị trường công nghệ sạc pin siêu tốc đang chứng kiến những màn rượt đuổi khá ấn tượng, với Quick Charge 3.0, Pump Express hay các công nghệ sạc siêu nhanh từ các nhà sản xuất điện thoại di động.
Quick Charge 3.0: nhanh hơn 85% củ sạc truyền thống
Đây là phiên bản mới của công nghệ sạc nhanh do Qualcomm phát triển dựa trên thế hệ tiền nhiệm Quick Charge 2.0 đã xuất hiện trên 40 thiết bị di động và hơn 20 phụ kiện. Theo đó, tốc độ sạc của Quick Charge 3.0 nhanh hơn 38% so với Quick Charge 2.0, gấp đôi Quick Charge 1.0 và nhanh hơn 85% so với các củ sạc truyền thống, mang đến khả năng sạc pin từ 0 lên 80% sau 35 phút cắm sạc.
Không chỉ sạc nhanh hơn, Quick Charge 3.0 còn tiết kiệm năng lượng nhờ ứng dụng công nghệ INOV khi cho phép thiết bị có thể yêu cầu đúng mức điện năng mà nó cần. Trong khi Quick Charge 2.0 chỉ có thể cung cấp năng lượng mức điện năng 5V, 9V, 10V và 20V, thì Quick Charge 3.0 có thể chia nhỏ các mức này xuống còn 200mV, trải dài từ 3,6V đến 20V, giúp củ sạc tiết kiệm nhiều năng lượng hơn.
Công nghệ mới cũng hỗ trợ đầy đủ kết nối thông dụng như USB, microUSB và USB-C và tương thích ngược với các máy chỉ tích hợp Quick Charge 2.0 và 1.0. Song, để sử dụng tối đa tốc độ của 3.0, ngoài củ sạc, thiết bị cũng phải được hỗ trợ.
Theo Qualcomm, hiện tại, Quick Charge 3.0 được tích hợp trên các vi xử lý Snapdragon 820, 620, 618, 617, 430 và xuất hiện trên một số smartphone và tablet cao cấp như bộ đôi Galaxy S7/S7 Edge, LG G5...
Công nghệ Pump Express: sạc 70% pin trong 20 phút
Nếu Qualcomm có QuickCharge 3.0, thì MediaTek - hãng sản xuất vi xử lý đến từ Đài Loan - có Pump Express. Trong khi QuickCharge 3.0 chỉ xuất hiện trên các dòng smartphone Android cao cấp, thì Pump Express 3.0 sẽ hiện diện trên cả smartphone phổ thông. Tuy nhiên, phải đến cuối năm 2016, công nghệ này mới được MediaTek thương mại hoá trên các thiết bị chạy chip Helio P20.
Tốc độ là ưu điểm lớn nhất của Pump Express 3.0. Khi tích hợp công nghệ này, điện thoại có thể sạc từ 0% lên 70% dung lượng pin sau chưa đầy 20 phút, nhanh gấp 2-3 lần tốc độ sạc trên smartphone thông thường hoặc kéo dài thời gian đàm thoại đến 4 giờ sau 5 phút sạc. Công nghệ này cũng sử dụng cổng kết nối USB Type-C thay vì microUSB đang phổ biến trên smartphone Android.
Hơn thế, Pump Express 3.0 còn cho phép truyền điện trực tiếp từ adapter vào pin, giảm hiện tượng phát tán điện ra các linh kiện khác, giúp cho thiết bị không bị nóng, toả nhiều nhiệt dù sạc nhanh.
Các công nghệ sạc siêu nhanh VOOC thế hệ mới
Tham gia thị trường công nghệ sạc pin siêu tốc còn có Oppo với công nghệ sạc siêu nhanh VOOC thế hệ mới. Có tên gọi Super VOOC Flash Charge, công nghệ sạc nhanh thế hệ mới này cho phép sạc đầy pin dung lượng 2.500 mAh chỉ sau 15 phút.
Về cơ bản, Super VOOC Flash Charge vẫn duy trì hiệu điện thế 5V khi sạc. Nhưng dòng điện vào sẽ được chia thành nhiều luồng song song, giúp quá trình tiếp năng lượng vào pin nhanh hơn. Oppo đã sử dụng các thuật toán tối ưu hóa hiệu năng sạc cho loại pin tùy chỉnh kết hợp những thay đổi về phần cứng lẫn phần mềm. Công nghệ sạc nhanh mới này có thể làm đầy 45% dung lượng pin 2.500 mAh trong 5 phút, cho phép thiết bị duy trì 10 giờ thoại liên tục.
Super VOOC Flash Charge hỗ trợ cả kết nối micro USB lẫn chuẩn kết nối USB Type-C trên các thiết bị mới. Cùng với đó, những cải tiến điện áp khi sạc cùng pin tùy chỉnh giúp việc sạc pin an toàn hơn. Cả adapter, cổng kết nối và dây sạc đều được thiết kế lại nhằm đáp ứng các yêu cầu an toàn theo tiêu chuẩn quân đội.
Công nghệ sạc pin điện thoại siêu tốc của Huawei
So với công nghệ sạc nhanh của Qualcomm như Quick Charge hay VOOC của Oppo, công nghệ đến từ Trung tâm nghiên cứu Watt Lab của Huawei tỏ ra ưu việt hơn. Chỉ mất 5 phút, pin dung lượng 3.000 mAh có thể tăng từ 0% lên 48%. Thậm chí, với pin dung lượng 600 mAh, chỉ mất hai phút công nghệ sạc này đã sạc được 68%.
Dù sạc nhanh như vậy, nhưng tuổi thọ và dung lượng pin vẫn không bị ảnh hưởng. Để đẩy nhanh tốc độ, nhóm nghiên cứu đã tạo ra loại pin Lithium Ion mới, sử dụng chất xúc tác đặc biệt để tăng quá trình trao đổi giữa hai điện cực và giảm lượng Ion Li+ xuống mức thấp nhất, giảm tốc độ chai pin.
Tiếc là công nghệ sạc siêu tốc của Huawei vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển, nên chưa rõ thời gian sẽ được thương mại hoá và xuất hiện trên các sản phẩm bán ra thị trường.