Đại dịch đã khiến thói quen chi tiêu của người dùng thay đổi như thế nào?

Đại dịch đã khiến thói quen chi tiêu của người dùng thay đổi như thế nào?
Tạp chí Nhịp sống số - Có đến 94% người được hỏi cho biết sẽ cân nhắc sử dụng ít nhất một phương thức thanh toán mới nổi trong năm tới. Đây là kết quả mà Chỉ số thanh toán mới của Mastercard đã thu thập được từ 18 thị trường trên toàn cầu.

Cụ thể, Mastercard cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch, mối quan tâm đối với nhiều công nghệ thanh toán đã và đang gia tăng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với 94% người dân cho biết sẽ cân nhắc sử dụng ít nhất một phương thức thanh toán mới nổi, như mã QR, ví điện tử, ví di động, trả góp, tiền mã hóa, sinh trắc học, v.v. trong năm tới. 

Nghiên cứu cũng cho thấy 84% người tiêu dùng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp cận với nhiều hình thức thanh toán hơn so với một năm trước. Đặc biệt, 74% số người được hỏi cho biết họ sẽ mua sắm thường xuyên hơn tại các doanh nghiệp nhỏ nếu có thêm các tuỳ chọn thanh toán. 

Ông Sandeep Malhotra, Phó Chủ tịch Điều hành phụ trách Sản phẩm và Đổi mới Sáng tạo của Mastercard khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Nghiên cứu của Mastercard chỉ ra rằng người dân khu vực châu Á - Thái Bình Dương không chỉ sử dụng các công nghệ thanh toán mới, mà còn chủ động có những thay đổi dựa trên sự cần thiết và cân nhắc về những mối quan tâm tối quan trọng như an toàn cá nhân, tính bảo mật và sự tiện lợi. Sự cởi mở với các công nghệ và sáng tạo mới của người tiêu dùng châu Á - Thái Bình Dương đã được công nhận trên bình diện toàn cầu. Những kết quả từ nghiên cứu củng cố rằng xu hướng này vẫn sẽ tiếp diễn, khi nhiều lựa chọn thanh toán số đang nhanh chóng trở nên phổ biến tại khu vực này”.

Trong tương lai, việc sử dụng nhiều công nghệ thanh toán có xu hướng gia tăng khi người dân ngày càng hiểu rõ và thoải mái khi sử dụng những công nghệ này. Trái lại, việc sử dụng tiền mặt sẽ giảm dần. Trên thực tế, 69% người tiêu dùng châu Á - Thái Bình Dương tham gia nghiên cứu dự định sẽ ít sử dụng tiền mặt hơn trong năm tới. Trong khi đó, ví điện tử hay ví di động đã trở nên khá phổ biến đối với người tiêu dùng tại khu vực này. 68% số người được hỏi dự định sẽ sử dụng loại hình thanh toán này trong năm tới - cao hơn mức trung bình toàn cầu là 62%.

Theo nghiên cứu, chỉ tính riêng trong năm vừa qua, 84% người tiêu dùng tại châu Á - Thái Bình Dương cho biết họ sử dụng nhiều hơn các hình thức thanh toán mới nổi. Đồng thời, 88% người tiêu dùng đã sử dụng ít nhất một loại hình thanh toán mới nổi trong năm ngoái, và 64% số người được hỏi (trong đó 75% là người thuộc thế hệ Y) cho biết họ đã thử sử dụng các phương thức thanh toán mới vì tác động của đại dịch. Khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên, các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô sẽ phải đối mặt với kỳ vọng lớn hơn trong việc cung cấp nhiều phương thức mua sắm và thanh toán: 80% người được hỏi đồng ý rằng giờ đây họ thích mua sắm tại các cửa hàng có cả hình thức bán hàng trực tiếp lẫn trực tuyến, và 69% có hứng thú hơn khi mua sắm tại các đơn vị bán lẻ có cung cấp phương thức thanh toán mới nhất. Trên thực tế, 60% người tiêu dùng tham gia khảo sát cho biết họ sẽ tránh những cửa hàng không chấp nhận bất kỳ hình thức thanh toán điện tử nào.

Đáng chú ý, mã QR (QR code) có sức hút đặc biệt lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương so với những nơi khác thế giới. Trong số những người sử dụng mã QR để thanh toán, 63% cho biết trong năm vừa qua, họ sử dụng hình thức này thường xuyên hơn so với trước đây. Tỷ lệ này là 64% ở cả Thái Lan và Ấn Độ, cao hơn mức trung bình toàn cầu 56%. Tại châu Á - Thái Bình Dương, đa số người được hỏi cho rằng các phương thức thanh toán mới như mã QR giúp cho việc thanh toán trực tiếp đảm bảo vệ sinh (76%) và thuận tiện hơn (71%), vì khi đó người tiêu dùng có thể sử dụng thiết bị di động của mình. 77% người tiêu dùng Thái Lan và 71% người tiêu dùng Ấn Độ cho rằng mã QR an toàn, trong khi chỉ có lần lượt 67% và 64% người tiêu dùng tại hai quốc gia này xem tiền mặt là một hình thức thanh toán an toàn. Điều này đã chứng tỏ sự tin tưởng của người dân đối với mã QR và các hình thức thanh toán số khác. 

Cùng đó người tiêu dùng trẻ ngày càng quan tâm đến khả năng sử dụng tài sản tiền mã hóa để chi tiêu, mua sắm hàng ngày. 45% những người được khảo sát tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết họ có thể sẽ cân nhắc sử dụng tiền mã hóa trong năm tới. Con số này vượt xa mức 12% của năm ngoái và cao hơn mức trung bình toàn cầu 40%. Thế hệ Y và thế hệ Z tương đối thoải mái khi sử dụng tiền mã hóa (41%) so với thế hệ X và thế hệ bùng nổ dân số (26%). Cụ thể, 71% người thuộc thế hệ Y nói rằng họ đã cởi mở hơn trong việc sử dụng loại tiền này so với một năm trước. Về mặt địa lý, nhiều người tiêu dùng cảm thấy thoải mái hơn với việc sử dụng tiền mã hóa ở Thái Lan (46%) và Ấn Độ (44%) so với ở Úc (17%). Cuối cùng, mặc dù tiền mã hóa - đặc biệt là các đồng tiền kỹ thuật số thả nổi như Bitcoin, nhận được nhiều sự quan tâm từ người tiêu dùng, song vẫn cần nỗ lực để đảm bảo người tiêu dùng được lựa chọn, bảo vệ cũng như tuân thủ quy định về tiền mã hóa với vai trò là một công cụ thanh toán.

Đáng ngạc nhiên là có đến 64% người tiêu dùng châu Á - Thái Bình Dương cho biết họ rất kỳ vọng ở tiềm năng của các phương pháp xác minh sinh trắc học như đánh giá dáng điệu, bước đi và xác thực ủy quyền bằng vân tay. Trên thực tế, 62% người tiêu dùng cảm thấy an toàn hơn khi sử dụng sinh trắc học để xác minh giao dịch mua sắm so với nhập mã pin. 

Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra vẫn là nỗi e ngại về các rủi ro có thể gặp phải, khi 27% số người được hỏi trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho hay họ từng bị lừa đảo trong năm trước. Theo họ, cần có sự đảm bảo nhất định cho người tiêu dùng; 79% cho biết họ sẵn sàng thử các công nghệ thanh toán mới nếu nhận thấy chúng an toàn, và 85% muốn chắc chắn rằng các tùy chọn thanh toán do người bán đưa ra là an toàn.

Nhiều người tiêu dùng tin tưởng vào các đơn vị phát hành và mạng lưới cung cấp các công cụ bảo mật thông tin tài chính cho họ. Cụ thể, 45% số người tiêu dùng đồng ý giao phó và tuân theo các phương pháp bảo mật tốt nhất của các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán. Ngược lại, những lý do hàng đầu cho việc không thử sử dụng các phương thức thanh toán mới bao gồm các vấn đề an ninh (47%) và lo ngại về bảo mật dữ liệu (42%). 

Có thể bạn quan tâm