Đây là khẳng định của ông Jerry Fan - Phó Chủ tịch Kinh doanh Cấp cao khu vực châu Á TBD, Nhật Bản và Trung Quốc kiêm Chủ tịch khu vực châu Á- TBD của Analog Devices trong cuộc tiếp xúc đầu tiên với báo giới Việt Nam gần đây.
Được biết đến là hãng bán dẫn hàng đầu thế giới, Analog Devices (ADI) dành mối quan tâm đến thị trường Việt Nam, trong bối cảnh bán dẫn đang được chú ý và coi là ngành công nghiệp chiến lược ở nước ta trong nhiều năm tới.
Việt Nam là thị trường đáng chú ý
Theo đánh giá của lãnh đạo Analog Devices, Việt Nam là thị trường hấp dẫn và đang là đích đến của các nhà đầu tư lớn trên thế giới. “Từ quan điểm của tập đoàn đa quốc gia, khi đầu tư vào Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ dựa vào 2 tiêu chí: một là nhu cầu trong nước, hai là lợi thế cạnh tranh để phục vụ thị trường toàn cầu”, ông Jerry Fan nói.
Về khía cạnh tiêu chí phục vụ nhu cầu trong nước, ông Jerry Fan khẳng định Việt Nam là thị trường hấp dẫn: “Việt Nam có hơn 100 triệu dân và tầng lớp trung lưu đang phát triển; Độ tuổi trung bình của nam giới là 29 tuổi và có nhu cầu công nghệ cao. Từ góc nhìn của nhà đầu tư, đây là những yếu tố hấp dẫn”. Ông cũng cho rằng, lý do các tập đoàn đa quốc gia quan tâm tới việc xây dựng nhà máy thiết kế hoặc sản xuất ở thị trường Việt Nam, trước mắt là để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Trong khi đó, Việt Nam cũng có nhiều lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư, trước tiên là hệ sinh thái đang dần hình thành. Theo đó, việc các tập đoàn lớn xây dựng nhà máy, triển khai các hệ thống nghiên cứu và chuyển giao công nghệ mang lại cơ hội để Việt Nam trở thành một phần trong nền kinh tế toàn cầu.
“Ngày càng có nhiều nhà đầu tư coi Việt Nam là đích đến và xây dựng nhiều nhà máy, từ đó sẽ hình thành được hệ sinh thái. Khi các nhà đầu tư thấy rằng có một hệ sinh thái - giống như “buôn có bạn, bán có phường” thì chắc chắn đầu tư sẽ hấp dẫn hơn”.
Phó Chủ tịch Analog Devices cũng cho rằng, một yếu tố nữa khiến cho Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đó là nguồn nhân lực trẻ, được đào tạo bài bản và sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế và phát triển sản phẩm. Về phía Analog Devices, ông Jerry Fan khẳng định: Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ sự phát triển của lĩnh vực công nghệ cũng như thu hút đầu tư của Việt Nam để có những động thái phát triển kinh doanh tương ứng.
Việt Nam có thể thành công trong cả sản xuất và thiết kế
Việt Nam sớm có chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn:
Chính phủ vừa yêu cầu Bộ TT&TT sớm hoàn thiện và trình Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Trong dự thảo trước đó, Bộ TT&TT nêu 2 định hướng quan trọng đó là:
Việt Nam trở thành quốc gia có ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn phát triển, là một trong các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam cơ bản có đầy đủ, đồng bộ các hạ tầng về nhân lực, công nghệ, nghiên cứu phát triển, về sản xuất và thị trường ứng dụng, góp phần phát triển bền vững ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam, tạo nền tảng thực hiện thành công chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xây dựng chính phủ số…
Nói về tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực bán dẫn, ông Jerry Fan cho rằng: Bán dẫn đã trở thành một khối cấu thành cần thiết của tất cả mọi hệ thống khác trong kỷ nguyên số hiện nay. Với tầm quan trọng như vậy, hầu hết mọi chính phủ đều đang có những chiến lược ưu tiên phát triển, trước hết để phục vụ nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, ông Jerry Fan cũng lưu ý việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của mỗi quốc gia cần đặt trong bối cảnh và chuỗi giá trị chung bởi đây ngành công nghiệp mang tính toàn cầu.
Lý giải rõ hơn, lãnh đạo Analog Devices cho hay trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu còn có rất nhiều khâu như: sản xuất tấm wafer bán dẫn ban đầu, dây chuyển sản xuất hay lắp ráp, đo kiểm,...Như vậy, không quốc gia nào một mình có thể dùng một bàn tay để che cả bầu trời bán dẫn như vậy. “Về chiến lược bán dẫn, Việt Nam cần xác định vị trí của mình trên chiến lược bán dẫn toàn cầu, thông qua phát huy điểm mạnh riêng của quốc gia”, ông này nói.
Ông phân tích các tiếp cận khác nhau trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu. Theo đó, một số quốc gia lựa chọn tập trung sản xuất chip bán dẫn. Cách tiếp cận này có yêu cầu nguồn vốn rất lớn (để xây dựng các nhà máy sản xuất bán dẫn), nhiều thời gian (để làm ra được sản phẩmj) và không phải quốc gia nào cũng làm được như vậy. Một số quốc gia đi theo hướng thiết kế chip bán dẫn - nó cũng giống như với thiết kế phần mềm. Hướng đi này đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao và giúp tạo ra những giá trị quyền sở hữu trí tuệ của con người.
"Việt Nam có lợi thế về dân số trẻ, nhiều kỹ sư và chính phủ Việt Nam cũng đang ưu tiên phát triển bán dẫn. Do đó, tôi nghĩ Việt Nam có lẽ nên tập trung vào khâu thiết kế..." - ông Jerry Fan nói - "... Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một trung tâm sản xuất các sản phẩm điện tử lớn (sản xuất điện thoại thông minh, máy tính. Tuy trước mắt nên tập trung vào thiết kế, nhưng về lâu dài, khi đã có một chuỗi cung ứng mạnh thì Việt Nam có thể tham gia vào lĩnh vực sản xuất bán dẫn. Với tầm nhìn dài hạn, Việt Nam có thể thành công trong cả hai lĩnh vực sản xuất chip và thiết kế chip nhưng cần cân nhắc và nghiên cứu kỹ những yếu tố có thể tạo ra thành công”.
ADI là công ty bán dẫn hàng đầu thế giới với doanh thu năm tài chính 2023 đạt hơn 12 tỷ USD, khoảng 26.000 nhân và 125.000 khách hàng trên toàn cầu. Châu Á – Thái Bình Dương là thị trường trọng điểm của ADI, chiếm 20% tổng doanh thu của công ty vào năm 2023.
Ngoài ra, ADI cũng là công ty luôn đi đầu trong các đổi mới của công nghệ ô tô, đặc biệt trong lĩnh vực xe điện hoá. Các giải pháp hệ thống quản lý pin của ADI đã được tích hợp vào 20 triệu xe điện đang lăn bánh trên đường và được thiết kế vào các sản phẩm xe của 16 trong số 20 nhà sản xuất thiết bị xe điện gốc hàng đầu trên thế giới, bao gồm BMW, BYD, Tesla và một số hãng khác.Mới đây, ADI đã ký MoU với VinFast, cho phép ADI cung cấp những giải pháp như hệ thống quản lý pin, hệ thống lưu trữ năng lượng cho xe điện của VinFast.