Đến năm 2025, 80% người thất nghiệp sẽ được giới thiệu việc làm miễn phí

Đến năm 2025, 80% người thất nghiệp sẽ được giới thiệu việc làm miễn phí
Tạp chí Nhịp sống số - Đó là một trong những mục tiêu đặt ra tại Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định 2269/QĐ-TTg.

Theo đó, ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2269/QĐ-TTg, phê duyệt đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp”, nhằm mục tiêu nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trong đó tập trung về tổ chức bộ máy và nhân sự, cơ chế tài chính của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả để chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực sự trở thành công cụ chủ yếu quản trị thị trường lao động.

Theo Đề án, giai đoạn đến năm 2025 sẽ có những mục tiêu cụ thể như: 100% người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (sau đây viết tắt là người thất nghiệp) được tư vấn miễn phí khi có nhu cầu; 80% người thất nghiệp được giới thiệu việc làm miễn phí khi có nhu cầu, trong đó có 60% được giới thiệu việc làm thành công; tăng tỷ lệ người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, bồi dưỡng kỹ năng, tỷ lệ người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm; hoàn tất việc kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu về bảo hiểm thất nghiệp giữa cơ quan lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội; 100% nhân sự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm được đào tạo nghiệp vụ, bồi dưỡng chuyên sâu; thống nhất quy trình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm; hoàn thiện cơ chế tài chính theo hướng phân cấp, tự chủ cho các trung tâm dịch vụ việc làm; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt mức 85%.

Ở giai đoạn tiếp theo - đến năm 2030, Đề án đặt ra mục tiêu: 90% người thất nghiệp được giới thiệu việc làm miễn phí khi có nhu cầu, trong đó có 70% được giới thiệu việc làm thành công; tiếp tục tăng tỷ lệ người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, bồi dưỡng kỹ năng, tỷ lệ người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm; thống nhất việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp tại các trung tâm dịch vụ việc làm có sự liên thông giữa các địa phương và yếu tố đặc thù của từng vùng, miền; thực hiện việc chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính, thuế, lao động để nâng cao hiệu quả quản lý và thực thi chính sách bảo hiểm thất nghiệp; 100% trung tâm dịch vụ việc làm được hiện đại hóa; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt mức 90%.

Để hoàn thành những mục tiêu này, Đề án đưa ra 10 nhóm giải pháp chính, bao gồm: (1) Hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp; (2) Hoàn thiện hệ thống tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo tinh gọn, hiệu quả; (3) Hoàn thiện quy trình nghiệp vụ thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; (4) Nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; (5) Đổi mới cơ chế tài chính về bảo hiểm thất nghiệp; (6) Tăng cường cơ sở vật chất trong việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; (7) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; (8) Đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm thất nghiệp; (9) Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại các cơ quan, đơn vị thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; (10) Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp

Với việc ban hành quyết định này, Thủ tướng Chính phủ cũng "phân vai" cụ thể cho các Bộ và Cơ quan phối hợp thực hiện, gồm: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ ngân sách nhà nước, kinh phí chi quản lý bảo hiểm thất nghiệp và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Có thể bạn quan tâm