Việc hợp tác chiến lược này được kỳ vọng sẽ phát huy công nghệ và cách tiếp cận chuyển dịch số bền vững của SAP để xây dựng một nền tảng công nghệ vững chắc trong những lĩnh vực đào tạo của Trường ĐHBK Hà Nội, đặc biệt hữu ích cho những sinh viên theo học các chuyên ngành CNTT, Quản trị kinh doanh và chương trình đào tạo tinh hoa ELITECH.
Qua đó, các sinh viên của trường cũng có dịp tiếp cận những công nghệ mới của CMCN 4.0 như Internet vạn vật (IoT) và học máy (machine learning)..., đồng thời được cung cấp những kỹ năng mềm như giải quyết vấn đề với phương pháp tư duy thiết kế (Design Thinking).
Cụ thể, việc hợp tác lần này giữa SAP và ĐH Bách khoa Hà Nội gồm 5 nội dung hợp tác chính: (1) Chương trình Đối tác đại học SAP (SAP University Alliance Program) nhằm giúp cho những sinh viên đại học được tiếp cận với những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho tương lai công nghệ số; (2) Chương trình Tài năng trẻ: SAP hỗ trợ đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực phần mềm và ứng dụng và khai thác vào các ngành công nghiệp; (3) Chương trình thực tập và làm luận văn tại SAP hoặc các doanh nghiệp đối tác cho sinh viên CNTT và Sinh viên quản lý dự án; (4) Chuỗi các bài giảng về phương pháp giải quyết vấn đề hiện đại nhất như phương pháp Tư duy Thiết kế (Design Thinking); (5) Hợp tác xây dựng hệ thống thông tin quản lý tài nguyên của nhà trường, hướng tới xây dựng ĐH Bách khoa Hà Nội thành một đại học thông minh.
Theo ông Scott Russell - Chủ tịch SAP Châu Á Thái Bình Dương, việc thiếu hụt nhân lực giỏi chuyên môn không chỉ là rào cản phát triển cho các doanh nghiệp mà còn dẫn đến áp lực cạnh tranh nhằm thu hút những nhân sự giỏi nhất, trong khi phần lớn đội ngũ lao động bị bỏ qua. "Để đảm bảo nhân tài được phát triển từ trứng nước, các tổ chức giáo dục, nhà nước và doanh nghiệp cần phải chung tay xây dựng các chương trình và giáo trình phù hợp, phản ánh đúng nhu cầu của thị trường lao động hiện tại cũng như tương lai", ông nói.
Phát biểu tại lễ ký kết, PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội nhận định: “Công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi cơ cấu nguồn nhân lực và cơ cấu năng lực của người lao động. Một số ngành công nghiệp truyền thống sẽ cần ít nhân lực hơn, trong khi những ngành công nghiệp mới nổi lại gia tăng nhu cầu. Cùng đó, các yêu cầu về năng lực của người lao động cũng thay đổi rất nhiều... Nhận thức điều này, ĐH Bách khoa Hà Nội đã có những thay đổi trong chiến lược đào tạo, cải tiến xây dựng chuẩn đầu ra các môn học nhằm cung cấp cho sinh viên những năng lực cốt lõi trong thời gian tới, đồng thời đưa những kiến thức, kỹ năng mới vào giảng dạy, giúp sinh viên phát huy tối đa năng lực và độ sẵn sàng để hội nhập...".