Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Cloud trong nước chiếm hơn 22% thị phần

Tạp chí Nhịp sống số - Báo cáo mới công bố về thị trường dịch vụ Cloud tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ thị phần giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp nội địa hiện là 77,8% và 22,2%.

Báo cáo toàn cảnh thị trường trung tâm dữ liệu (Data Center) và điện toán đám mây (Cloud) tại Việt Nam năm 2023 vừa được Câu lạc bộ Điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu Việt Nam – VNCDC công bố chiều ngày 22/11, trong khuôn khổ Hội thảo - Triển lãm Internet Day 2023 chủ đề “Không gian mới, cơ hội mới cho Internet Việt Nam”.

Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Hoàng Liên phát biểu tại phiên hội thảo về trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây chiều ngày 22/11.

Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Hoàng Liên cho biết, Data Center và Cloud đang là vấn đề nóng trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam.

Các nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây nội địa đang có cơ hội lớn để tăng tốc và bứt phá.

Cloud đã được Bộ TT&TT định hướng là 1 trong 5 không gian phát triển, tăng trưởng mới của các nhà mạng.

Ông Đặng Tùng Sơn, Phó Tổng giám đốc CMC Telecom, Phó Chủ nhiệm VNCDC, cho biết năm nay là lần thứ 2 Câu lạc bộ thực hiện báo cáo về thị trường dịch vụ Data Center và Cloud, với mục tiêu cung cấp thông tin hữu ích cho các tổ chức, doanh nghiệp, đồng thời hướng dẫn những bước đi thích hợp để thúc đẩy doanh nghiệp nội địa cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người dùng.

Báo cáo năm nay được lập trên cơ sở dữ liệu thu thập từ các doanh nghiệp thành viên của VNCDC, với biểu mẫu dữ liệu tham khảo theo mẫu báo cáo hàng tháng gửi Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) về doanh thu dịch vụ Cloud, Data Center.

Ngoài ra, báo cáo có tham khảo, trích dẫn các nguồn dữ liệu từ các công ty tư vấn, khảo sát thị trường trên thế giới và dữ liệu thị trường từ các doanh nghiệp trong Câu lạc bộ.

Báo cáo mới chỉ ra rằng, nhu cầu sử dụng dịch vụ Cloud tại Việt Nam đã tăng trưởng đột biến trong năm 2022, khi quy mô thị trường tăng lên 9.700 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2021.

Dịch Covid-19 đã đóng góp vào sự chuyển đổi số nhanh chóng của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề như du lịch và thương mại điện tử.

Năm 2022, sau khi giãn cách xã hội được dỡ bỏ, các tổ chức và doanh nghiệp đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ số để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, làm tăng mạnh nhu cầu sử dụng dịch vụ Cloud trong nước.

Tuy nhiên, sang năm 2023, tăng trưởng của thị trường Cloud đã chậm lại, phần lớn đến từ suy thoái kinh tế dẫn tới áp lực cắt giảm, tối ưu chi phí.

Sự tăng trưởng chậm lại được thấy rõ trong việc đo lường hiệu quả tiêu dùng dịch vụ đám mây và sự điều chỉnh của người tiêu dùng về lợi ích của đám mây.

Mặc dù tăng trưởng giảm, thị trường Cloud Việt Nam ước tính vẫn tăng trưởng 24,2% trong năm nay.

Nghiên cứu của VNCDC cũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Cloud nội địa đã đáp ứng kịp thời nhu cầu gia tăng, đưa mức doanh thu đạt được từ 900 tỷ đồng vào năm 2021 lên 2.362 tỷ đồng vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 37,4%.

Phân tích của bộ phận soạn thảo báo cáo thị trường Cloud Việt Nam năm 2023 dự đoán rằng thời gian từ nay đến năm 2025, thị trường sẽ không có biến động lớn.

Tốc độ phát triển kép giai đoạn 2023 - 2025 đạt từ 20% đến 23%. Đến năm 2025, quy mô thị trường Cloud Việt Nam sẽ đạt khoảng 768 triệu USD (18.432 tỷ đồng).

Đưa ra nhận định về khả năng phát triển của thị trường Cloud Việt Nam trong 2 năm 2024 và 2025, có tới 54,5% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này dự báo thị trường sẽ phát triển rất nhanh, và 45,5% số doanh nghiệp đánh giá thị trường sẽ có tốc độ phát triển nhanh.

Đáng chú ý, mặc dù có sự tiến bộ rõ ràng tại các doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT, CMC và FPT, song nghiên cứu mới của VNCDC cho thấy, đến nay các nhà cung cấp dịch vụ đám mây quốc tế vẫn giữ ưu thế trên thị trường.

Cụ thể, ông Đặng Tùng Sơn cho biết, trong báo cáo thực hiện năm 2021 của VNCDC, tỷ lệ thị phần dịch vụ Cloud giữa doanh nghiệp ngoại và doanh nghiệp trong nước là 80% và 20%, với phần lớn thuộc về các nền tảng Cloud toàn cầu.

Sau 2 năm, thị phần của các doanh nghiệp trong nước đã ‘nhỉnh’ hơn so với trước, đạt 22,2% và tỷ lệ thị phần của doanh nghiệp nước ngoài còn 77,8%.

“Con số hơn 2% là nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Cloud nội”, ông Đặng Tùng Sơn nhận xét.

ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam đã phân tích những lý do chính khiến cho các doanh nghiệp hạ tầng trong nước vẫn chiếm thị phần nhỏ bé trước các ông lớn công nghệ nước ngoài.

Theo ông Vũ Thế Bình, nhìn từ góc độ khách quan thì các nền tảng Cloud toàn cầu có nhiều lợi thế về nghiên cứu phát triển và sáng tạo, đi đầu và dẫn dắt xu thế, lợi thế về quy mô, sự hình thành đa dạng tiện ích cho khách hàng như một hệ sinh thái cùng chiến lược cạnh tranh hiệu quả.

Thực tế, không chỉ ở Việt Nam, tại nhiều nước, thị phần Cloud phần lớn thuộc về các nền tảng toàn cầu.

“Ở góc độ chủ quan, chúng ta cũng thấy điều hiển nhiên là Cloud Việt Nam thất thế hơn các nền tảng toàn cầu về khía cạnh công nghệ, quy mô và có thể cả ở chiến lược cạnh tranh.

Một điểm dễ nhận thấy nữa là các doanh nghiệp Việt Nam đã chần chừ trong một thời gian khá lâu trước khi thực sự dấn thân vào thị trường Cloud.

Chúng ta xuất phát sau, lại yếu hơn các 'vận động viên chuyên nghiệp', thì bị bỏ xa cũng là chuyện bình thường”, ông Vũ Thế Bình nêu quan điểm.

Đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam cũng nhận xét, gần đây, các doanh nghiệp trong nước đã đẩy rất mạnh các nỗ lực nghiên cứu phát triển, tạo ra các sản phẩm dịch vụ Cloud, cũng như truyền thông mạnh mẽ để thu hút sự quan tâm của công chúng và khách hàng về Cloud.

“Chúng tôi tin rằng mỗi doanh nghiệp sẽ có một chiến lược phù hợp để từng bước chiếm lĩnh thị phần, và ít nhiều cạnh tranh với các nền tảng toàn cầu”, đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm