Theo Neowin, sự sụt giảm về doanh số máy tính được cho là tệ hơn so với dự kiến của IDC, với nguyên nhân bắt nguồn từ các lệnh phong tỏa ở Trung Quốc và các vấn đề như xung đột Nga - Ukraine, lãi suất và lạm phát tăng.
Nói về kết quả nghiên cứu của mình, IDC cho biết: “Những lo sợ về suy thoái tiếp tục gia tăng và làm suy yếu nhu cầu giữa các phân khúc. Nhu cầu của người tiêu dùng đối với máy tính đã suy yếu trong thời gian qua và có nguy cơ giảm trong thời gian tới do người tiêu dùng ngày càng thận trọng hơn trong việc chi tiêu của họ, đồng thời họ trở nên quen hơn với việc sử dụng các loại thiết bị như điện thoại và máy tính bảng. Trong khi đó, nhu cầu trong hoạt động thương mại trở nên mạnh mẽ hơn, mặc dù vẫn có mức suy giảm do các doanh nghiệp trì hoãn việc mua sắm”.
Doanh số máy tính tăng mạnh kể từ tháng 3/2020 sau khi các quốc gia thực hiện giãn cách xã hội, buộc mọi người phải làm việc từ xa. Với việc các nhân viên quay trở lại văn phòng, không bất ngờ khi doanh số máy tính sụt giảm. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế ngày càng tồi tệ khiến doanh số máy tính đã giảm nhiều hơn dự kiến.
Đáng chú ý, doanh số máy tính vẫn cao hơn mức trước đại dịch trong cùng thời kỳ. Vào năm 2018 và 2019, doanh số máy tính lần lượt 62,1 triệu và 65,1 triệu chiếc được bán ra.
Về thị phần của các thương hiệu trong quý 2, Lenovo là công ty dẫn đầu với 24,6% thị phần. Theo sau lần lượt là HP (18,9%), Dell (14%), Acer (6,9%), Apple (6,7%) và Asus (6,6%).
So với cùng kỳ năm ngoái, các hãng giảm nhiều nhất là HP (-27,6%) và Apple (-22,5%). Việc Apple nằm trong số những công ty sụt giảm doanh số là điều gây ngạc nhiên bởi sự trung thành của khách hàng, nhiều khả năng do mọi người đang tránh mua những chiếc máy tính có giá cao từ công ty.