Doanh thu bán hàng của ASML dịch chuyển dần ra khỏi Trung Quốc

Doanh thu bán hàng của ASML dịch chuyển dần ra khỏi Trung Quốc
Tạp chí Nhịp sống số - Dữ liệu bán hàng quý 2/2022 của ASML cho thấy sự chuyển dịch từ thị trường đại lục sang Đài Loan và Hàn Quốc, đặc biệt khi Mỹ liên tục vận động hành lang để triển khai lệnh cấm bán thiết bị cho Trung Quốc.

Theo dữ liệu do ASML Holdings công bố hôm 20/7, thị phần của Trung Quốc trong tổng doanh số bán hệ thống in thạch bản đã giảm xuống 10% trong quý 2/2022, giảm mạnh so với mức 34% trong quý đầu tiên khi nước này là thị trường đơn lẻ lớn nhất.

Trong khi đó, các chuyến hàng của nhà cung cấp thiết bị bán dẫn Hà Lan đến Đài Loan chiếm 41% tổng doanh số bán hàng trong quý thứ hai. Hàn Quốc chiếm 33% và Mỹ chiếm 10% tổng doanh số bán hàng, tăng từ mức 6% trong quý đầu năm.

ASML Holdings là công ty có vị trí độc quyền trong sản xuất các thiết bị chế tạo chip tiên tiến. Mô hình bán hàng của ASML thay đổi khi chính quyền Washington tăng cường nỗ lực vận động hành lang, để ngăn công ty Hà Lan xuất khẩu một loạt các thiết bị sản xuất chip sang đại lục. Điều này còn bao gồm cả các hệ thống in thạch bản cực tím sâu (DUV) ít tiên tiến hơn, ngoài các hệ thống in thạch bản cực tím (EUV) mà ASML đã ngừng vận chuyển đến Trung Quốc vì hạn chế từ lệnh cấm của Mỹ.

“Tôi nghĩ chúng ta cần phải nhận ra rằng Trung Quốc là người chơi quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là trong các nút trưởng thành hơn”, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành ASML Peter Wennink nói trong cuộc buổi báo cáo thu nhập vào cuối ngày 20/7.

Theo ông Wennink, nhu cầu từ Trung Quốc vẫn mạnh mẽ và các xưởng sản xuất chip ở đó có nhu cầu cao đối với các hệ thống của ASML trong nút quy trình trải dài 20 nanomet (nm), 28 nm, 45 nm và 65 nm. Trả lời về việc Mỹ vận động hành lang cho lệnh cấm rộng rãi hơn đối với xuất khẩu thiết bị chế tạo chip sang Trung Quốc, ông Wennink nói “đó là quan điểm chính trị mà chúng tôi phải chờ các chính trị gia đưa ra”.

Lệnh cấm tiềm năng đối với việc xuất khẩu thiết bị của ASML sang Trung Quốc có thể giáng một đòn nặng nề vào nỗ lực tự cung tự cấp chất bán dẫn của nước này. Trong khi đó, ASML có khả năng mất khoảng 2 tỉ USD doanh thu nếu việc bán DUV sang Trung Quốc bị chặn. Theo ông Wang Xiaolong, trưởng nhóm nghiên cứu tại công ty tư vấn bán dẫn ICWise, “tác động sẽ cao hơn nhiều so với lệnh cấm EUV”.

ASML hôm 20.7 báo cáo doanh thu thuần quý 2/2022 là 5,4 tỉ euro (khoảng 5,5 tỉ USD), tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu mạnh mẽ trên thị trường đầu cuối bán dẫn và thiết bị in thạch bản. ASML đã xuất xưởng 91 hệ thống in thạch bản trong quý vừa qua. Tuy nhiên, gã khổng lồ thiết bị sản xuất bán dẫn Hà Lan đã cắt giảm dự báo tăng trưởng doanh số bán hàng vào năm 2022 xuống còn khoảng 10% so với mức 20% trong quý đầu tiên.

Có thể bạn quan tâm

Xuất sắc vượt qua hơn 300 đề cử, Phần mềm ngân hàng lõi kỹ thuật số FINC (Digital Core Banking FINC) của TechPlus đã được hội đồng chuyên môn đánh giá cao và trở thành 01 trong số 14 đơn vị xuất sắc vinh dự được vinh danh tại lĩnh vực “Ngân hàng số” của Sao Khuê 2024.