Số hóa là bước đầu tiên để xây dựng du lịch ảo, các địa danh sẽ được mô hình hóa 3D. Tiếp theo là đưa mô hình 3D đó vào môi trường kính thực tế ảo hoặc thực tế tăng cường. Thông qua kính VR hoặc thiết bị AR để người dùng trải nghiệm một cách toàn diện địa điểm đó.
Có thể hiểu rằng, chỉ cần đeo kính VR, tai đeo headphone và vài cú chuyển cảnh, “du khách” có thể đang toạ lạc tại một toà nhà giữa Thủ đô Hà Nội mà vẫn có thể thảnh thơi ngắm nhìn quang cảnh hùng vĩ cùng những nhũ đá triệu năm, lắng nghe tiếng nước chảy róc rách xuống những bệ đá dưới đáy hang động Sơn Đoòng (tỉnh Quảng Bình).
Đáng nói, do tác động của du lịch, hang Sơn Đoòng đã có thời điểm phải đóng cửa vài tháng nhằm phục hồi hệ sinh thái hang động, đảm bảo các loài động, thực vật trong hang không bị quá tải, nguồn nước không bị ô nhiễm…
Hoặc vào mùa mưa lũ, việc tham quan hang động này cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Để khắc phục những điểm trên, du lịch ảo là một giải pháp phù hợp, người tham quan vẫn có thể “trải nghiệm” hang động nhưng không cần trực tiếp đi tới điểm đến.
Đáng nói, nhiều công ty du lịch trên thế giới đã sớm nhận ra tiềm năng của du lịch ảo từ nhiều năm trước đây rằng: công nghệ thực tế ảo có thể kích cầu du lịch. Theo Công ty nghiên cứu thị trường du lịch Phocuswright, cũng giống như trải nghiệm dùng thử sản phẩm mẫu trước khi mua, VR cho phép người dùng trải nghiệm điểm đến trước khi quyết định đặt tour, đặc biệt có giá trị lớn đối với các điểm đến mới, vốn không có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, song lại có nhiều nét văn hóa, tự nhiên đặc trưng.
Đơn cử, đầu năm 2016, Công ty lữ hành Matoke Tours ra mắt ứng dụng “du lịch ảo đến Uganda (châu Phi)” trên Android với các trải nghiệm như đối mặt với khỉ đột Gorilla giữa rừng sâu hoặc đi trên khinh khí cầu.
Người dùng hệ điều hành iOS của Apple có thể thử ứng dụng Ascape để du lịch vòng quanh thế giới mà không cần bản đồ, khách sạn hay hộ chiếu thông qua các video 360 độ. Một nền tảng khác cũng được áp dụng là website 3D cũng đang là công cụ hiệu quả để áp dụng quảng bá du lịch hiện nay.
Khác với website thông thường, người xem có thể trải nghiệm như đi lại, tham quan, tương tác với địa danh đã số hoá trong môi trường 3D. Trên thiết bị kính thực tế ảo, hay trên thiết bị di động bằng thực tế tăng cường, người dùng còn có thể đặt tour thanh toán trực tiếp.
Theo một cuộc khảo sát, chi phí cho một chuyến du lịch ảo thấp hơn nhiều, khoảng 10% so với du lịch thật. Bên cạnh đó, du khách cũng không phải trải qua những trải nghiệm gây khó chịu như chờ đợi, chen chúc, tránh được những nguy cơ và rủi ro trên đường đi. Hơn thế, giải pháp này phần nào có thể khắc phục được mặt trái những ảnh hưởng tiêu cực của ngành du lịch không khói hiện nay tới thiên nhiên, môi trường và con người bản địa.
Tuy nhiên, khi ý tưởng này được đưa ra ở Việt Nam đã gặp rất nhiều ý kiến trái chiều. Một bộ phận giới trẻ có xu hướng ủng hộ và hào hứng với trải nghiệm ảo hơn. Ngược lại, nhiều người quả quyết rằng trải nghiệm ảo không bao giờ có thể thay thế trải nghiệm thực tế.
Bởi lẽ, con người hiện đại ngày càng trở nên lười biếng và phụ thuộc vào công nghệ hiện đại, việc giao lưu và tương tác với cuộc sống thật mới có ý nghĩa. Theo đó, thực tế ảo có thể đáp ứng được phần nào trải nghiệm về thị giác, thính giác, cảm giác nhưng không thể cung cấp được những trải nghiệm về ẩm thực, sức khoẻ, các hoạt động văn hoá cộng đồng…
Tại thời điểm hiện nay, có thể thấy, du lịch ảo chưa thể thay thế được du lịch truyền thống nhưng là một công cụ bổ trợ quan trọng nhằm kích thích nhu cầu muốn khám phá và tăng cường trải nghiệm cho du khách.
Song, thiết nghĩ, chiếu theo xu thế chung về phát triển DLTM của thế giới, khi robot tư vấn và phục vụ đang và sẽ có thể dần thay thế con người, vậy du lịch ảo theo đúng nghĩa cũng có thể sẽ thay thế được du lịch thật. Giả sử viễn cảnh ấy thực sự xảy ra trong tương lai, chúng ta nên coi rằng đó là một dấu hiệu đáng mừng hay đáng báo động?