Dùng AI để rà quét, phát hiện các nội dung vi phạm trên các nền tảng xuyên biên giới

Tạp chí Nhịp sống số - Đối với các nền tảng xuyên biên giới (Google, Facebook, TikTok...), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sử dụng AI để phát hiện vi phạm, duy trì tỷ lệ chặn gỡ nội dung xấu độc trên các nền tảng xuyên biên giới ở mức cao (trên 92%).

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có báo cáo gửi tới Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 109/2023/QH15 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.

Dùng AI rà quét nội dung vi phạm trên các nền tảng xuyên biên giới

Trong đó, đối với quản lý các nền tảng số nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, Bộ cho biết, thời gian qua đã hoàn thiện hành lang pháp lý chuyên ngành, bổ sung các quy định, chế tài quản lý mạng xã hội xuyên biên giới. Triển khai hệ thống kỹ thuật, chủ động rà soát không gian mạng, xây dựng mạng lưới. Xử lý quyết liệt, mạnh mẽ các trường hợp người dùng phát tán thông tinvi phạm. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh yêu cầu các mạng xã hội xuyên biên giới (như Facebook, Google, TikTok…) phải ngăn chặn gỡ bỏ hình ảnh, thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam...

Hiện tỷ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc trên các nền tảng xuyên biên giới đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Thiết lập được quy trình xử lý đặc biệt khi có tình huống nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia với cả 3 nền tảng xuyên biên giới. Các nền tảng xuyên biên giới, đặc biệt là Google đã phải áp dụng rà quét, chặn lọc tự động quảng cáo trực tuyến vi phạm trên các nền tảng do họ cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam thay vì gỡ thụ động như trước đây.

Việt Nam cũng đã đạt thỏa thuận cụ thể với 3 nền tảng xuyên biên giới về tăng cường rà soát, chặn gỡ, giảm thời gian đáp ứng, gỡ bỏ các hội nhóm vi phạm. Các nền tảng xuyên biên giới đã thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước Việt Nam, cụ thể: Năm 2022 nộp 3.487 tỷ và năm 2023 là khoảng 6.800 tỷ đồng. Nhiều tài khoản và nhóm vi phạm trên các nền tảng đã bị khóa hoặc gỡ bỏ, bao gồm cả các tài khoản của KOLs và người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật.

Bộ cũng đã lựa chọn một số mạng xã hội trong nước để khuyến khích phát triển, điển hình là Zalo, Mocha, Lotus.

Thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; Triển khai phổ biến và thực thi các quy định tại Nghị định số 147/2024/NĐ-CP ngày 09/11/2024 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Đặc biệt là các quy định về chặn gỡ nội dung vi phạm trong vòng 24 giờ, chặn gỡ kịp thời với nội dung vi phạm an ninh quốc gia; khóa tạm thời hoặc vĩnh viễn tài khoản, trang, nhóm, kênh mạng xã hội thường xuyên vi phạm; xác thực và định danh tài khoản của người dùng bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân; bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội; yêu cầu chủ trang, nhóm mạng xã hội chịu trách nhiệm quản lý nội dung đăng tải và bình luận trong trang nhóm; mạng xã hội có trách nhiệm xác thực cho các tài khoản, trang, kênh của các các tổ chức, doanh nghiệp, người có ảnh hưởng tại Việt Nam…

Bộ cũng phấn đấu duy trì tỷ lệ chặn gỡ nội dung xấu độc trên các nền tảng xuyên biên giới ở mức cao (trên 92%); gỡ nhiều tài khoản, trang, kênh, nhóm vi phạm hơn. Xử lý và buộc các nền tảng xuyên biên giới phải khắc phục các sai phạm, tuân thủ nghiêm pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, tiếp tục nắn chỉnh dòng tiền quảng cáo từ các nền tảng xuyên biên giới về các cơ quan báo chí, các trang thông tin điện tử, trang, kênh nội dung đã được xác thực. Sử dụng hiệu quả đội ngũ các công ty truyền thông lớn, các KOLs đã tập hợp, kết nối được để triển khai các chiến dịch truyền thông chính sách, các chủ trương của Bộ trên các nền tảng xuyên biên giới.

Ngành văn hóa, thể thao và du lịch cũng sẽ tăng cường phối hợp với cơ quan chủ quản, các bộ, ngành, địa phương để nâng cao hiệu quả quản lý thông tin trên mạng xã hội và thông tin, dịch vụ trên không gian mạng theo hướng ai quản lý lĩnh vực nào ở thế giới thực thì quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng. Quyết liệt triển khai Quy trình thí điểm nhằm xử lý tình trạng các nghệ sỹ, người nổi tiếng, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm pháp luật, có hành vi, phát ngôn lệch chuẩn trên mạng, tham gia quảng cáo sai sự thật.

Ngoài ra, tăng cường hiệu quả, nâng cấp Trung tâm Giám sát không gian mạng, ứng dụng công nghệ AI để rà quét, phát hiện các nội dung vi phạm trên các nền tảng xuyên biên giới; tăng cường hoạt động hiệu quả của Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc quốc gia. Tổ chức tập huấn, kết nối hình thành mạng lưới xử lý tin giả, tin xấu độc quốc gia.

Nguồn: baodautu.vn

Có thể bạn quan tâm